Sáng 14/10, Sở chỉ huy tiền phương chỉ đạo các lực lượng tranh thủ thời tiết, đẩy nhanh tiến độ khai thông các điểm sạt lở để thông tuyến vào khu vực trạm kiểm lâm tiểu khu 67 và thủy điện Rào Trăng 3 (xã Phong Xuân, huyện Phong Điền). Đây là hai vị trí xảy ra các vụ sạt lở khiến 30 người mất tích, gồm 17 công nhân thủy điện và 13 cán bộ, chiến sĩ quân đội.
Từ sáng sớm, nhiều chuyến xe tải chở bộ đội mang cuốc, xẻng theo đường 71 đi vào trạm kiểm lâm 67. Đồng thời, sư đoàn 372 điều động hai trực thăng tham gia trinh sát đường không, vận chuyển lương thực, thực phẩm.
Trực thăng tham gia công tác cứu hộ ở hiện trường, sáng 14/10. Video:Trần Hoài
Ngoài trực thăng, Sở Chỉ huy tiền phương tìm kiếm cứu nạn cứu hộ cũng đưa 3 chó nghiệp vụ đến hiện trường để nhanh chóng tìm kiếm những người mất tích.
Tổng lực lượng tham gia cứu nạn gần 1.000 người và gần 200 phương tiện các loại theo đường bộ và đường thủy tiếp cận tiểu khu 67 và nhà máy thủy điện. Nhiều người dân thông thạo địa bàn cũng được mời tham gia hỗ trợ cứu nạn. Hàng chục xe đào múc, máy ủi làm việc liên tục để thông đường.
Do trời mưa lớn nên tuyến đường vào tiểu khu 67 và thủy điện Rào Trăng 3 có hơn 10 điểm sạt lở lớn, 4 con suối nước chảy siết.

Đường vào thủy điện Rào Tranh 3. Ảnh: Võ Thạnh
Trưa 14/10, bộ đội tiếp cận được khu vực trạm kiểm lâm 67 để tìm kiếm nạn nhân. Theo quan sát, hiện trường trạm kiểm lâm đã bị san phẳng, chỉ còn lại một phần mái tôn của trạm, diện tích sạt lở lên đến cả nghìn m2. Chiều cùng ngày, "các lực lượng cứu hộ đã nỗ lực tìm kiếm 13 người mất tích song chưa có kết quả", theo Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó Sự cố, Thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn.
Ngay mai 15/10, lực lượng cứu hộ tiếp tục tìm kiếm nạn nhân ở trạm kiểm lâm 67; san gạt đất đá sạt lở để tiếp cận thủy điện Rào Trăng 3 theo đường bộ.
Các phương tiện tham gia cứu hộ. Video: Hoàng Táo
Trên tuyến đường thủy, khoảng 13h ngày 14/10, cảnh sát đi thuyền máy và cano, lần lượt tiếp cận thủy điện Rào Trăng 4 và Rào Trăng 3, phát hiện một thi thể nam tại Rào Trăng 3, đưa về bệnh viện Đa khoa Bình Điền để xác nhận danh tính. Ngoài ra, cảnh sát di chuyển 19 công nhân, chuyên gia của Rào Trăng 3 và Rào Trăng 4 về TP Huế.

Bản đồ vị trí xảy ra các vụ sạt lở. Đồ họa:Tiến Thành
Vụ sạt lở đất đá khiến 17 công nhân thủy điện Rào Trăng 3 mất tích xảy ra lúc 0h ngày 12/10. Đến trưa cùng ngày, một người dân gọi điện thoại cho lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế thông báo sự việc.
Nhận được thông tin nêu trên, tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức đoàn công tác 21 người đi xác minh để lên phương án cứu hộ, cứu nạn. Đoàn xuất phát lúc 14h ngày 12/10, từ trung tâm huyện Phong Điền đi thủy điện Rào Trăng 3. Lúc16h đến ngầm tràn sâu trên dường 71, ôtô không qua được, vì vậy đoàn công tác đi bộ khoảng 13 km để vào thủy điện. 21h cùng ngày, đoàn đến tiểu khu 67, trạm kiểm lâm Sông Bồ và quyết định dừng nghỉ tại đây. Nhà kiểm lâm có 4 gian, gồm 3 gian nghỉ và một gian bếp.
Lúc 0h ngày 13/10, sau tiếng nổ lớn, núi đất đá sụt trùm lên các gian nhà đoàn đang nghỉ. Văn phòng Ủy ban Quốc gỉa Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cho hay, 8 người thoát được ra ngoài, 13 người hiện mất tích, trong đó có Phó tư lệnh quân khu 4, Thiếu tướng Nguyễn Văn Man và 10 cán bộ quân đội, 2 cán bộ địa phương.
Xem diễn biến chính