Gia đình bà Nguyễn Thị Vần sống ở làng Tu Mục 2, xã Yên Thọ (Yên Định, Thanh Hóa) nhiều đời nay và chỉ quen dùng nguồn nước từ giếng khơi. Nằm trên lưu vực sông Mã, nguồn nước giếng ở đây dồi dào, chất lượng tốt.
Tuy nhiên, hai tháng qua nước giếng cạn khô khiến cuộc sống gia đình bà đảo lộn. "Tôi chưa từng chứng kiến hiện tượng mất nước bất thường như vậy. Không chỉ gia đình tôi mà hầu hết hàng xóm, giếng đều cạn trơ đáy", bà Vần nói.
Những ngày đầu, chỉ ít hộ mất nước, bà con còn đi xin rồi gánh về dùng tạm. Sau đó gần như cả làng với hàng trăm hộ không còn nước, phải thuê thợ về khoan giếng. Gia đình bà Vần mất gần hai triệu đồng để khoan giếng sâu gần 20 m. Tuy nhiên, nước máy khoan lên có mùi tanh, đóng váng.
Hộ ông Lê Bá Lâm hai tháng qua đã khoan hai giếng nhưng vẫn không đủ nước sinh hoạt. Giếng khoan sâu, nhưng nước lúc có lúc không. Mỗi ngày, gia đình ông chỉ bơm được vài lần là cạn. Nước cũng nổi váng và chuyển đen kịt khi cho thêm nước chè vào. "Biết là nước có nhiều tạp chất, nhưng không còn lựa chọn nào khác", bà Lê Thị Đức, vợ ông Lâm nói.
Để khắc phục tình trạng nước lẫn tạp chất, các gia đình ở Yên Thọ phải mua bình lọc nước. "Chúng tôi phải cắt cử người ở nhà trông máy lọc, hết bình này lại đổi qua bình khác mới đủ nước dùng trong ngày", bà Lạn nói. Nước vo gạo, rửa rau được tận dụng để cho gà lợn uống hoặc tưới cây.
Ngày 11/3, ông Hồ Xuân Bình, Chủ tịch xã Yên Thọ, cho hay hiện tượng giếng cạn nước xuất hiện từ đầu tháng 1. Ngày 25/1, xã thống kê có 450 hộ bị mất nước nhưng đến đầu tháng 3 tăng lên hơn 920 hộ.
"Mất nước bất thường chưa từng xảy ra ở địa phương", ông Hồ Xuân Bình, Chủ tịch xã Yên Thọ nói và cho biết giếng khô cạn xuất hiện từ đầu tháng 1. Ngày 25/1 xã thống kê có 450 hộ, nhưng đến đầu tháng 3 tăng lên hơn 920 hộ. Xã có 7 thôn thì hiện 6 thôn mất nước.
Đoàn công tác của huyện Yên Định, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã về kiểm tra thực địa, lấy mẫu xét nghiệm nhưng chưa có giải pháp cụ thể. Chính quyền phải dùng giải pháp tình thế là cho tháo nước từ hệ thống kênh mương vào các ao hồ, hy vọng bù một phần nước tầng mặt thẩm thấu vào giếng khơi, song không có kết quả.
Trước nghi vấn của người dân về nguyên nhân mất nước diện rộng do ảnh hưởng của việc hút cát, ông Bình nói chưa có cơ sở khẳng định. Địa bàn trước đây có hai mỏ cát số 40 và 23 hoạt động nhiều năm (hiện đã bị thu hồi giấy phép), từng gây sạt lở, sụt lún bờ sông.