Cục trưởng Nguyễn An Ninh. Ảnh: T.S. |
Trao đổi với phóng viên, chiều 21/12, Cục trưởng Khảo thí (Bộ GD&ĐT) Nguyễn An Ninh cho biết, trong đợt thi thử trắc nghiệm ngày 14/1, thí sinh đặc biệt lưu ý hướng dẫn kỹ thuật làm bài. Máy chấm thi sẽ tự động loại bỏ các bài không đúng thao tác.
- Qua đợt thi thử trắc nghiệm tại 15 tỉnh, thành, ông đánh giá thế nào về khả năng tiếp cận phương pháp mới?
- Nhìn chung, học sinh tham gia thi thử thí điểm đã tiếp thu nhanh những hướng dẫn kỹ thuật cũng như yêu cầu của bài trắc nghiệm. Tại 15 tỉnh thành, số bài bị máy chấm thi loại ra do sai kỹ thuật chiếm khoảng 1% trong tổng số 80.000 bài. Tuy nhiên, vẫn có một số thày cô vẫn tỏ ý coi thường, chưa xem đó như thi thật, chưa hướng dẫn chu đáo cho thí sinh.
- Để tránh bị loại do sai sót kỹ thuật, thí sinh cần lưu ý những gì khi làm bài, thưa ông?
- Thí sinh nên chuẩn bị bút chì, tẩy, bút mực hoặc bút bi (không dùng mực màu đỏ). Trên phiếu trả lời trắc nghiệm chỉ được viết một thứ mực và tô chì đen ở lấp kín diện tích cả ô tròn, không gạch chéo hoặc chỉ dùng ký hiệu đánh dấu. Do việc chấm thi tiến hàng bằng máy nên thí sinh cần chú ý giữ phiếu trả lời sạch sẽ, không làm rách, làm nhàu hoặc có vết gấp, quăn mép…
Khi vào phòng thi, thí sinh được xếp danh sách theo ngoại ngữ (bắt đầu bằng tiếng Anh). Thí sinh phân ban sẽ có đề riêng, thí sinh học Ngoại ngữ hệ 7 năm sẽ thi đề khác hệ 3 năm.
- Rất nhiều ý kiến lo ngại về khả năng tiếp cận phương pháp trắc nghiệm của học sinh nông thôn. Bộ GD&ĐT đã tính đến vấn đề này chưa?
- Chưa hẳn học sinh nông thôn đã yếu hơn học sinh thành phố. Vấn đề ở đây là các trường dạy ngoại ngữ như thế nào. Về kỹ thuật làm bài thì không có sự chênh lệnh. Còn về chất lượng bài thì đến kỳ thi ngày 14/1 chúng ta sẽ biết. Khi đó, học sinh toàn quốc sẽ thi đề chung, cùng một mặt bằng kiến thức, nơi nào khá, nơi nào kém sẽ lộ ra thôi.
- Lý do nào khiến Bộ GD&ĐT quyết định tăng thời gian thi tốt nghiệp THPT Ngoại ngữ lên 60 phút, thay vì 45 phút như trước đây?
- Việc định thời gian làm bài 45 phút là theo yêu cầu của nhóm chuyên môn. Tuy nhiên, kết quả khảo sát cho thấy đây là một yêu cầu khá cao, nhiều học sinh không làm được hết bài với thời gian này. Do đó, chúng tôi tăng thời gian thi để đa số học sinh có thể làm được hết bài. Đây không phải là một quyết định "chiều" học sinh mà là qua khảo sát kết quả thi thử tại 15 tỉnh, thành trong thời gian qua.
- Nội dung chương trình của đề thi thử trắc nghiệm Ngoại ngữ ngày 14/1 tới sẽ như thế nào?
- Đề sẽ nằm trong chương trình học kỳ 1 của lớp 12. Đối với đề Ngoại ngữ, chủ yếu là kiểm tra kỹ năng, các nội dung về ngữ pháp, mẫu câu sẽ nằm trong sách giáo khoa. Nếu có phần mới, có thể là từ vựng hoặc kiến thức văn hoá. Chúng tôi không thể nói trước là tất cả từ vựng có trong đề thí sinh đều biết.
- Cục Khảo thí Hoa kỳ đã từng lưu ý chúng ta về công tác thanh tra, giám thị. Tại sao Bộ GD&ĐT không tiến hành hoán đổi giám thị?
- Trắc nghiệm là phương pháp có hiệu quả nhất để chống gian lận, Phần mềm tin học cho phép xáo trộn từ một đề thi gốc thành rất nhiều phiên bản (nội dung giống nhau nhưng thứ tự câu hỏi khác nhau). Như vậy, học sinh ngồi cạnh nhau cũng không thể chép bài. Riêng môn Ngoại ngữ, tôi chắc rằng sẽ không phải hoán đổi giám thị trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay. Tuy nhiên, để đảm bảo tính công bằng, Bộ GD&ĐT yêu cầu các địa phương lưu ý công tác giám thị, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy chế.
Việt Anh