Thứ tư, 9/7/2025
Thứ năm, 16/2/2023, 06:30 (GMT+7)

Gầm cầu thành nơi chứa vật liệu xây dựng, rác thải

Nhiều gầm cầu ở Hà Nội, TP HCM bị lấn chiếm để kinh doanh, làm nơi chứa vật liệu xây dựng, phế liệu, rác thải

Một xưởng tập kết, chế biến xơ dừa dưới gầm cầu Thăng Long, thuộc địa phận huyện Đông Anh, Hà Nội, ngày 14/2. Tuần trước, tại gầm cầu này, bãi phế liệu hơn 100 m2 bị cháy, khói bốc cao ảnh hưởng người đi đường, một làn xe máy phải đóng gần một giờ.

Một đoạn khác dưới chân cầu Thăng Long, thuộc huyện Đông Anh trở thành nơi chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Cầu Thăng Long được xây dựng năm 1974, hoàn thành năm 1985; nhịp chính vượt sông dài 1.680 m. Cầu gồm 2 tầng: tầng dưới dành cho tàu hỏa, xe thô sơ, tầng trên để ôtô chạy.

Phía đầu cầu Thăng Long (huyện Đông Anh), gầm cầu được quây rào sắt chống lấn chiếm nhưng người dân vẫn dựng rạp cưới, kinh doanh và họp chợ.

Dưới gầm cầu của tuyến đường sắt đoạn qua xã Hải Bối, huyện Đông Anh, nhiều năm nay là nơi để ôtô, bãi gửi xe máy, kinh doanh cây cảnh.

Một hộ gia đình tự đóng hàng rào, cổng dưới gầm cầu đường sắt ở xã Hải Bối để làm nơi chứa phế liệu, thu mua sắt vụn.

Tại TP HCM, gầm cầu Bình Lợi trên đường Phạm Văn Đồng, đoạn thuộc TP Thủ Đức, hiện là điểm tập kết nhiều vật tư thiết bị, sắt thép, xe trong khu đất rộng hàng nghìn m2 bên bờ sông Sài Gòn.

Mới đây, Sở Giao thông Vận tải thành phố đề nghị UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức tăng cường kiểm tra các trường hợp buôn bán, lấn chiếm, để vật dụng, đốt, tập kết rác... dưới gầm cầu.

Các loại vật tư chất ngổn ngang dưới gầm cầu và được quây kín bằng hàng rào sắt cao khoảng 1,5 m.

Theo Sở Giao thông Vận tải, các gầm cầu Bình Lợi, Phú Hữu (TP Thủ Đức), Bà Chiêm (huyện Nhà Bè)... đang làm nơi giữ xe, chứa vật tư thu hồi, xây dựng nhà tạm, cơ quan chức năng cần rà soát kiểm tra thường xuyên, bố trí đầy đủ thiết bị xử lý kịp thời khi sự cố xảy ra.

Cách đó khoảng 1,5 km, hai bên cầu Rạch Lăng trên đường Phạm Văn Đồng, quận Bình Thạnh, là nơi đổ rác. Ngày 2/2, tại cầu này đã xảy ra tình trạng đốt rác gây cháy lan, khoảng một giờ đồng hồ sau lực lượng PCCC mới khống chế được. Vụ việc làm bong tróc bêtông mặt dầm, ảnh hưởng chất lượng, an toàn của công trình.

Tại cầu Chữ Y, đoạn qua quận 8, gầm cầu được rào chắn kín bằng lưới sắt để không bị xâm lấn. Tuy nhiên, người dân ở gần đó mở lưới rào để làm nơi tập kết xe đạp, phế liệu, giường ghế, bán nước...

Đoạn thấp nhất ở gầm cầu được tận dụng làm khu vực nuôi gia cầm, chim và nhiều đồ đạc sinh hoạt của người dân cạnh đó.

Khoảng không gian rộng dưới gầm cầu Phú Mỹ, quận 7, trở thành nơi bán đồ ăn và cà phê võng giải khát. Trước đó dưới gầm cầu này còn là điểm giữ xe máy và ôtô nhưng đã bị TP HCM thu hồi từ hai năm trước.

Đã ngừng thi công từ lâu dù nhưng hầu hết phần đất dưới gầm cầu Nam Lý trên đường Đỗ Xuân Hợp, TP Thủ Đức, được tận dụng làm nơi bán hàng, xưởng đá, vật liệu xây dựng, quán ăn...

Ngọc Thành - Quỳnh Trần