![]() |
Galileo Galilei. |
Tổng giám mục Amato, người đứng đầu cơ quan trước đây gọi là Toà án dị giáo, đã trích dẫn một lá thư mới được phát hiện trong tập hồ sơ lưu trữ của Vatican, và cho rằng đây là bằng chứng về việc nhà thờ đối xử với nhà khoa học rất tử tế.
Lá thư được người đứng đầu Toà án dị giáo gửi cho hồng y giáo chủ Francesco Barberini vào năm 1633, bày tỏ sự quan tâm của giáo hoàng rằng phiên toà xét xử nhà khoa học cần được quyết định nhanh chóng do Galilei có sức khoẻ kém.
Tổng giám mục Amato cho rằng lá thư đã chứng tỏ thái độ của nhà thờ đối với nhà thiên văn học tài ba là rất nhã nhặn. Ý kiến cho rằng Galileo đã bị tống giam và thậm chí tra tấn đến mức phải từ bỏ ý kiến của mình hoàn toàn chỉ là lời đồn đại, xuất phát từ những quan niệm sai lầm, tổng giám mục khẳng định.
Thực tế nhà khoa học được đón tiếp với đầy đủ sự lễ phép và tiện nghi: phòng của ông là một căn hộ của luật sư - một trong những chức vụ cao nhất của toà án. Ở đó, Galileo được phục vụ bởi chính những hầu cận của mình. Trong thời gian nghỉ tại Rome, ông là khách mời của đại sứ Florentine tại biệt thự Medici.
Theo tổng giám mục, phát hiện của Galileo cũng đã được đón nhận nồng hậu. "Vào năm 1610, khi Galileo xuất bản cuốn Sidereus Nuncius, trong đó nêu quan điểm mặt trời là trung tâm của vũ trụ, ông đã nhận được lời tán thưởng của cả Johannes Kepler, nhà thiên văn học tài ba và Jesuit Clavius, tác giả của lịch Gregorian".
"Ông còn nhận được sự ủng hộ của cả các giáo chủ La Mã. Họ đều rất muốn quan sát bầu trời qua chiếc kính viễn vọng nổi tiếng của ông", tổng giám mục bổ sung.
Những tuyên bố trên đây của tổng giám mục Amato là kết quả mới nhất trong nỗ lực lâu dài của Vatican muốn thay đổi hình ảnh của nhà thờ như một người bạn và người ủng hộ khoa học hiện đại, chứ không phải như kẻ bài trừ.
Những cố gắng của giáo hoàng John Paul II nhằm nối lại hoà bình với khoa học đã bắt đầu ngay từ lễ nhậm chức của ông vào tháng 10/1978. Vào ngày 10/11/1979, trong cuộc tưởng niệm ngày sinh lần thứ 100 của Albert Einstein, giáo hoàng đã yêu cầu các học giả, lịch sử gia và các nhà thần học điều tra vụ Galileo một cách kỹ lưỡng.
Một uỷ ban đã được thành lập và đưa ra kết luận vào năm 1992. Khi đó, giáo hoàng thừa nhận những sai lầm do toà án dị giáo gây ra vì đã buộc tội nhà thiên văn học. "Hãy thứ lỗi cho chúng tôi về thái độ thù địch... do sự thiếu nhận thức về sự tự do chính thống trong khoa học", giáo hoàng phát biểu.
Sự tán thành tính trung thực của khoa học cũng đã là chủ đề kiên định trong suốt thời kỳ nhậm chức của Giáo hoàng John Paul II. Trong một bài phát biểu trước Viện hàn lâm khoa học vào năm 1996, ông tiến tới công nhận thuyết tiến hoá.
"Những kiến thức mới đã dẫn tới nhận thức rằng thuyết tiến hoá không chỉ là một giả thuyết. Quan điểm về sự chọn lọc của thiên nhiên đã được các học giả ủng hộ rộng rãi, dựa trên một loạt nghiên cứu thuộc nhiều lĩnh vực".
Ngày 24/8, các nhà thiên văn học đã lắp đặt những chiếc kính viễn vọng trên nóc cung điện mùa hè của giáo hoàng tại Rome, để theo dõi sao Hoả khi nó tiến gần trái đất nhất trong vòng 60.000 năm.
Minh Thi (theo IOL)