Galaxy Tab A 2016 thực chất là phiên bản nâng cấp từ mẫu Tab A trước đó của Samsung. Với số tiền bỏ thêm 1 triệu đồng, người dùng nhận được model có dung lượng RAM 3GB lớn hơn cùng bút cảm ứng S Pen và các tiện ích đi kèm. Nhưng thiết kế bề ngoài thiếu đi sự đổi mới.
Thiết kế và màn hình
Galaxy Tab A 2016 S Pen có vỏ ngoài làm từ nhựa, với hai lựa chọn tông màu trắng và xanh đen giống như nhiều smartphone tầm trung của Samsung. Viền màn hình bao quanh dày khiến máy trông càng to, dù thực tế giúp cầm dễ và đỡ chạm nhầm vào phần màn hình. Dãy phím cảm ứng trên Tab A được bố trí y hệt như trên các điện thoại của Samsung, nhưng khoảng cách quá gần, dễ bị chạm nhầm khi chưa quen sử dụng.
Đáng tiếc nhất ở thiết kế của Tab A là phím Home chưa được tích hợp cảm biến vân tay trong khi nhiều điện thoại tầm trung của Samsung đã có. Hạn chế ở thiết kế còn là camera chính bị lồi lên quá nhiều và dễ làm kênh máy khi đặt trên mặt phẳng.
Ảnh thiết kế chi tiết Samsung Galaxy Tab A
So với iPad Air 2 có độ lớn màn hình 9,7 inch, tablet của Samsung to, dày và nặng hơn khá nhiều: 6,1 mm so với 8,2 mm và 437 gram so với 560 gram. Tab A 2016 sở hữu màn hình 10,1 inch, nhỉnh hơn một chút so với iPad Air 2 (9,7 inch). Khác Apple, Samsung không sử dụng màn hình theo tỷ lệ 4:3 mà dùng 16:9, nên gây cảm dạng khó chịu khi cầm vì quá dài.
Nhưng khi dùng ngang để xem phim, không gian hiển thị của Galaxy Tab A 2016 lại lớn và tốt hơn nhiều so với iPad. Việc sử dụng màn hình tỷ lệ 16:9 cũng tỏ ra phù hợp với chế độ đa nhiệm chia đôi màn hình của Samsung. Nó giúp không gian hiển thị hai ứng dụng cùng lúc trở nên rộng rãi, tiện việc thao tác như đang đặt hai chiếc phablet cạnh nhau.
Chất lượng hiển thị trên Galaxy Tab A 2016 ở mức khá. Samsung chỉ trang bị độ phân giải Full HD dù màn hình rộng tới 10,1 inch. Khi nhìn gần, màn hình của Samsung vẫn cho cảm giác hơi rỗ nhẹ, chưa mịn màng. Tuy nhiên, tấm nền sử dụng công nghệ PLS LCD của Tab A 2016 vẫn cho màu sắc tươi tắn và góc nhìn rộng nên xem phim, chơi game hay lướt web đều khá ổn. Chất lượng hiển thị khá giống với smartphone Galaxy J7 Prime.
Tính năng và hiệu năng
Galaxy Tab A 2016 sở hữu nhiều tính năng quen thuộc trên smartphone Android của Samsung. Máy được trang bị khe cắm sim 4G LTE, còn có thể nghe gọi điện, hay nhắn tin như điện thoại. Hệ điều hành Android phiên bản MarshMallow 6.0.1 khá mới so với nhiều tablet Android dưới 10 triệu đồng khác. Sản phẩm được cài sẵn cả bộ ứng dụng văn phòng Microsoft Office và tích hợp chế độ dành riêng cho trẻ em với giao diện hoạt hình thân thiện, tính năng đơn giản.
Cổng microUSB trên tablet của Samsung hỗ trợ giao tiếp OTG, cho phép cắm USB để sao lưu và đọc dữ liệu. Ngoài ra, người dùng có thể gắn bàn phím và chuột của máy tính thông thường để nhập liệu và làm việc. Thử nghiệm cho Galaxy Tab A 2016 nhận rất nhanh cả bàn phím có dây lẫn bàn phím không dây. Dù vậy, để nhập liệu được tiếng Việt vẫn phải tải thêm bàn phím Google Keyboard từ kho ứng dụng Play Store, thay cho bàn phím mặc định của Samsung.
Điểm đặc sắc nhất trên Galaxy Tab A 2016 bản mới là bút cảm ứng S Pen. Samsung mang đúng những tính năng có trên Galaxy Note 7 lên tablet tầm trung của hãng. Ngoài việc viết, vẽ, nhận diện chữ viết tay, điều khiển cảm ứng, bút S Pen cho phép viết khi chú ngay cả khi màn hình của máy tính bảng đang tắt, hay tạo ảnh động dạng GIF đơn giản chỉ cần lấy bút khoanh vùng bất kỳ trên màn hình.
Tính năng mới khá hay là dịch ngôn ngữ, khi kích hoạt, chỉ cần di S Pen lại gần từ ngữ sẽ được dịch nhanh chóng. Tính năng dịch có thể dùng không chỉ khi lướt web mà còn hỗ trợ khi đọc tin nhắn, email cho tới nhiều ứng dụng thứ ba khác... Dữ liệu hỗ trợ rất nhiều ngôn ngữ được lấy nguồn từ Google Translate. Tuy nhiên, điểm bất tiện là vẫn cần có kết nối mạng và chỉ dịch được từng từ.
Dùng thử các tính năng trên Galaxy Tab A 2016 S Pen:
Camera trước và phía sau của Galaxy Tab A 2016 có độ phân giải lần lượt 8 megapixel và 2 megapixel. Chất lượng ở mức đủ dùng, hơi nhiễu khi chụp ở điều kiện thiếu sáng nhưng được Samsung tích hợp nhiều tính năng như trên smartphone tầm trung Galaxy A và J series, từ chế độ selfie, chụp đêm cho tới chế độ chụp HDR, chụp liên tục hay chụp Panorama. Âm thanh là điểm đáng giá hơn khi có hệ thống loa kép nằm ở cạnh đáy, cho âm lượng khá lớn, đủ sống động khi xem phim.
Với việc được nâng dung lượng RAM từ 2GB lên 3GB, phiên bản mới của Galaxy Tab A 2016 tỏ ra hoạt động ổn định. Máy chạy mượt, chế độ đa nhiệm chia đôi màn hình làm việc tốt và có thể mở tới 5 hay 6 tab khi lướt web cũng không có vấn đề gì. Dù vậy, khả năng xử lý còn hạn chế khi thực tế chỉ dùng chip tầm trung Exynos 8 nhân tốc độ 1,6GHz, hiệu năng tương đương với smartphone giá 6 triệu đồng Galaxy J7 Prime. Khi chơi game, chất lượng đồ hoạ chỉ ở mức tầm trung và độ trễ lộ ra khi khởi động các ứng dụng.
Bù lại, pin là trang bị đáng khen. Với dung lượng 7.300 mAh, nó giúp cho mẫu tablet màn hình lớn của Samsung có thể sử dụng được 2 đến 3 ngày ở mức độ trung bình. Pin của máy cũng cho phép lướt web (với kết nối 3G) hay xem video liên tục trong khoảng 13 giờ. Nhưng đổi lại, thời gian sạc pin lâu, máy không hỗ trợ sạc nhanh và muốn sạc đầy nên để qua đêm.
Với mức giá khoảng 9 triệu đồng, Galaxy Tab A 2016 có lợi thế là rẻ hơn iPad Air 2 mà vẫn đầy đủ các kết nối. Máy có thiết kế không mỏng và đẹp bằng nhưng gỡ gạc lại bằng sự linh hoạt của hệ điều hành Android và bút cảm ứng S Pen đi kèm.
Đây còn là lựa chọn đáng cân nhắc với người đang có nhu cầu tìm kiếm một smartphone Android tầm trung, khi trải nghiệm về màn hình lớn và sự tiện lợi khi làm việc trên tablet tốt hơn hẳn. Nó cũng được trang bị tính năng bút S Pen y hệt như dòng smartphone cao cấp Galaxy Note.
So sánh Samsung Galaxy Tab A 2016 S Pen với iPad Air 2 phiên bản Wi-Fi: