Một trong những tính năng luôn được chú trọng phát triển trên smartphone là khả năng bảo mật. Dù ra đời từ lâu, nhận diện vân tay là một trong những hình thức bảo mật được người dùng ưa chuộng.
Khảo sát được thực hiện bởi chuyên trang công nghệ GSMArena (Mỹ) vào tháng 7/2018 cho thấy, hơn 50% người dùng lựa chọn hình thức mở khóa điện thoại bằng vân tay, chiếm tỷ lệ áp đảo so với con số chỉ 7% muốn sử dụng các công nghệ tiên tiến hơn như quét mống mắt, gương mặt.
Khi để smartphone quét mống mắt hay gương mặt, người dùng cần nhìn trực tiếp vào smartphone ở một khoảng cách vừa đủ và khó thao tác khi điện thoại đang đặt trên bàn. Ngoài ra, hai phương pháp này còn có thể nhận nhầm anh chị em sinh đôi, thậm chí AI học sai hoặc bị nhầm lẫn với ảnh chụp gương mặt. Đối với mở khóa bằng mống mắt cũng gặp hạn chế đối với người mang kính.
![Cảm biến vân tay dù đã xuất hiện trên điện thoại nhiều năm nhưng hiện vẫn được xem là phương thức bảo mật được ưa chuộng.](https://vcdn1-sohoa.vnecdn.net/2019/02/13/1615828978-w500-6231-1550050771.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=cNhAzNKnXY5t9He8ifgyzA)
Cảm biến vân tay dù đã xuất hiện trên điện thoại nhiều năm nhưng hiện vẫn được xem là phương thức bảo mật được ưa chuộng.
Vài năm qua, cảm biến vân tay trên smartphone cũng được các nhà sản xuất thay đổi vị trí liên tục. Từ vị trí ban đầu là ở cạnh dưới, vốn được xem là nơi dễ thao tác nhất, các nhà sản xuất đã chuyển sang mặt lưng, cạnh bên. Đây là kết quả của cuộc chạy đua smartphone viền siêu mỏng, trong đó các chi tiết thừa ở mặt trước của điện thoại được cắt giảm một cách đáng kể.
Trước bối cảnh đó, cảm biến vân tay dưới màn hình được xem là giải pháp cho người dùng khi không chiếm diện tích thừa trên mặt trước, không ảnh hưởng đến thiết kế tổng thể của thiết bị. Đồng thời đảm bảo thao tác mở khóa dễ dàng dù điện thoại đặt trên mặt phẳng hay lấy ra từ túi quần.
![Cảm biến vân tay ẩn được kỳ vọng phát triển nhiều hơn trong tương lai.](https://vcdn1-sohoa.vnecdn.net/2019/02/13/1391035628-w500-5779-1550050772.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=adLdSb48Zl0cq2OydukVkQ)
Cảm biến vân tay ẩn được kỳ vọng phát triển nhiều hơn trong tương lai.
Mới đây, Samsung đã xác nhận sẽ áp dụng cảm biến vân tay dưới màn hình bằng sóng siêu âm (ultrasonic) dành cho Galaxy S10 và một số dòng máy khác ra mắt ngày 20/2 sắp tới. Theo đó, mẫu smartphone kỷ niệm 10 năm dòng Galaxy S sẽ là sản phẩm đầu tiên trên thế giới áp dụng công nghệ này.
Nhờ sóng âm xuyên qua màn hình, cảm biến có thể quét được các chi tiết ba chiều, cũng như những đặc thù của vân tay, gồm cả những đường lằn ở vân tay và lỗ chân lông.
Hiện tại, đã có một vài nhà sản xuất Trung Quốc ứng dụng cảm biến vân tay bằng sóng quang học trên các sản phẩm thương mại. Các chuyên gia kỳ vọng công nghệ siêu âm của Samsung sẽ mang đến hiệu suất hoạt động cao hơn, hoạt động nhanh nhạy hơn.
![Galaxy S10 nhiều khả năng sẽ loại bỏ cảm biến vân tay ở mặt sau, sử dụng công nghệ sóng âm tiên tiến.](https://vcdn1-sohoa.vnecdn.net/2019/02/13/galaxy-s10-celulares-155004925-6946-4855-1550050772.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=BXVgOpnhLilQzLM2PBO9xQ)
Galaxy S10 nhiều khả năng sẽ loại bỏ cảm biến vân tay ở mặt sau, sử dụng công nghệ siêu âm tiên tiến.
Công nghệ quét vân tay siêu âm còn được kỳ vọng có thể hoạt động qua một lớp vật liệu mỏng hoặc hoạt động tốt kể cả với bề mặt dính nước.
Bên cạnh đó, việc loại bỏ cảm biến vân tay ở mặt sau của máy giúp hãng có không gian kéo cho việc bổ sung ống kính. Hai phiên bản cao cấp gồm Galaxy S10, S10+ dự kiến sở hữu đến 3 ống kính. Trong khi phiên bản giá thấp hơn Galaxy S10e sẽ sở hữu cụm cảm biến kép. Trong khi "đàn anh" Galaxy S9 năm ngoái vẫn dùng camera đơn, Galaxy S9+ dùng hai cảm biến.
Bảo An