Đầu tiên, để hoàn thành bài viết này, tôi xin thú thực và xin lỗi tất cả các độc giả và cả các thành viên của Số Hóa vì biết chắc chắn rằng trong quá trình viết tôi sẽ vấp váp vào các lỗi cơ bản của bài dự thi: Tôi sẽ không đi sâu vào lột tả hết những cảm xúc của mình về chiếc smartphone đầu tiên của mình mà thay vào đó sẽ tập trung hết năng lượng để kể cho các bạn một câu chuyện về những trải nghiệm thần kỳ nhất mà tôi đã trải qua, một điều tuyệt vời các bạn nên nghe và nên hiểu, bởi vì đó chính là những kinh nghiệm, kỹ năng quý báu nhất mà tôi may mắn học hỏi được qua từng ngày sống. Cũng có lúc tôi muốn dối lòng đem sự việc trong hiện tại lồng ghép vào trong quá khứ để nó tươi đẹp hơn, nhưng khi ngồi vào máy tính gõ những dòng chữ đầu tiên, tôi nhận ra đó có thể là sai lầm. Tôi muốn sống thực với bản thân mình, không lừa dối bản thân và lừa dối tất cả mọi người. Điều tôi muốn chia sẻ với các bạn không hẳn là về một thiết bị số đơn thuần, nó còn là một hệ sinh thái tuyệt vời nhất cho những người yêu thích mày mò về công nghệ như tôi, nó là thiên đường cho những tay hacker suốt ngày lần lụi trên máy tính. Và, nó cũng có thể làm bạn thông minh hơn nhiều nếu bẩm sinh bạn có một trí tò mò cao độ.
Nếu bạn có cơ hội cầm trên tay hai thiết bị Bada và Android và so sánh chúng, tôi chắc chắn rằng bạn sẽ gật gù đồng ý với những quan điểm tôi trình bày trên kia là đúng. Thiết bị đầu tiên tôi được sở hữu khi tiếp xúc với smartphone là một thiết bị giá rẻ của Samsung: Samsung Wave 575. Chiếc máy nhỏ xinh có màn hình rộng 3,2 inch chạy Bada OS do chính Samsung phát triển để giảm bớt sự phụ thuộc vào Android. Về cơ bản, OS này là hệ điều hành khá yếu, rất khó cạnh tranh được với iOS và Android, cho nên từ ngày thiết bị đầu tiên được xuất xưởng đến thời điểm hiện tại, OS này gần như bị Samsung bỏ rơi. Nhìn lại sự thất bại này tôi thấy buồn cười cho chính bản thân mình, cách đây gần 2 năm tôi đã suy nghĩ nó có nhiều tiềm năng lắm. Đó là thất bại không chỉ trên hệ điều hành, cái thiết bị tôi vọc vạch khi đó cũng là một thiết bị không nổi trội cho dù nó được Samsung quảng cáo, PR rầm rộ: cấu hình thấp, độ phân giải màn hình khá kém và đặc biệt, chế độ chạy đa nhiệm của máy còn rất chậm chạp. Vậy là tôi bỏ Bada OS.
Tôi suy nghĩ đến thế hệ điện thoại tiếp theo mình sẽ sử dụng, một thiết bị phải có thiết kế thật tinh tế, cấu hình phần cứng đủ dùng, chạy một OS tính ổn định cao và quan trọng là giá của nó không quá khó chịu vì thu nhập của tôi cũng chỉ ở tầm trung bình. Thực ra mà nói, tôi đang chọn mua hệ điều hành hơn là chọn mua thiết bị, trong một thị trường bị lấp đầy căng các sản phẩm vừa lên kệ và sắp lên kệ, từ giá rẻ đến cao cấp thì việc lựa chọn một thiết bị có phần cứng thích hợp không quan trọng bằng cái phần mềm chạy trong đó. Đó chính là lý do tôi chọn Galaxy Ace 5830. Và như đã nói, tôi sẽ kể tiếp câu chuyện mà tôi cảm thấy tuyệt với nhất về hệ điều hành Android này.
Trong thời gian đầu sử dụng Android, ngoài cái tên phiên bản của hệ điều hành thì thú thực là tôi chẳng có kinh nghiệm và kiến thức gì về Android cả. Nó quá mới mẻ, quá lạ lẫm, cảm giác đầu tiên cũng chỉ là sự hứng thú từ thiết bị mới đem lại. Đó là một sự phấn chấn tuyệt vời, cảm giác hãnh diện ảo vì mình đã là một phần trong thế giới Android. Hầu hết thời gian rảnh trong ngày tôi chỉ dùng để miết màn hình để vào Internet, download ứng dụng từ kho ứng dụng CH Play cho đến khi cái menu truy cập của máy dày chi chít ứng dụng và bộ nhớ RAM thì luôn bị treo buộc phải boost lại và gỡ bớt phần mềm không cần thiết. Mỗi ngày cũng chỉ có từng đó việc, từng đó thời gian nên nhanh chán, cho đến khi không còn biết phải làm gì với thiết bị nữa thì trong đầu lại manh nha ra một vài ý tưởng kỳ cục: xâm nhập sâu vào hệ thống xem cái mã nguồn mở dựa trên nhân Linux này hoạt động như thế nào.
Tôi mày mò học cách Root máy, đó là một cách bẻ khóa để giành lấy toàn quyền sử dụng thiết bị của mình. Khi nhà sản xuất bán ra cho bạn một thiết bị và đi kèm là một hệ điều hành thì họ rất khôn khéo khi chỉ cho bạn 50 - 60% quyền điều hành thiết bị của bạn mà nếu bạn là người sử dụng bình thường thì rất khó nhận ra điều này, còn nếu bạn là "vọc sĩ chính hãng" thì công việc root máy này cũng không có gì là khó khăn. Chỉ cần 10 phút thao tác trên PC là có thể hoàn thành công việc, hoặc có thể thao tác thẳng trên smartphone bằng cách truy cập vào recovery của máy và cài đặt file upb_1.zip là xong. Đơn giản là như vậy thôi, nhưng cho đến tận bây giờ, tôi vẫn không thể hiểu được tại sao hồi đó tôi lại vui sướng đến tột cùng như vậy, khi dòng chữ vàng downloading trên màn hình máy bị tắt và máy bắt đầu khởi động lại, tôi dường như muốn nhảy bung ra khỏi ngôi nhà và la ó giữa đường giữa phố đông người, cảm giác lúc ấy tựa như cảm giác của Archimedes khi phát hiện ra lực đẩy của nước. Tuy nhiên, tôi lại không có đủ sự điên rồ để trần trụi bước ra phố với một tấm thân gầy không quần áo. Thật tuyệt vời.
Về cơ bản, khi đã root máy thành công thì có nghĩa là bạn có thể toàn quyền điều hành thiết bị của bạn, bạn có thể truy cập các ứng dụng đòi quyền root máy, thay đổi và sắp xếp lại các icon, xâm nhập sâu vào hệ thống để gỡ ra các phần mềm hệ thống không cần thiết để giảm dung lượng Rom nhằm tăng hiệu suất làm việc của máy. Nhưng như thế chưa đủ, nếu bạn muốn hiểu biết sâu hơn nữa về Android và thiết bị của mình thì công việc tiếp theo của bạn là update ROM, ép xung máy, phân vùng bộ nhớ... và nhiều thứ khác nữa. Công việc này khá thú vị nhưng nếu bạn yếu tim thì tôi khuyên bạn nên dừng lại ở đây thôi, up ROM, overclocking là một việc làm chứa đầy rủi ro, mạo hiểm khôn lường mà không phải ai cũng có đủ tinh thần để chịu đựng được. Nếu bạn up sai một chút xíu thôi cũng có thể cái thiết bị của bạn sẽ biến thành cục gạch vô dụng. Hãy học hỏi kinh nghiệm đau đớn nhất trong suốt những năm sử dụng điện thoại của tôi, trong một đêm khuya thanh vắng, tôi lọ mọ up bản Rom đầu tiên cho cái Galaxy Ace của mình, và trong đêm ấy tôi đoán chỉ mình tôi ngu xuẩn đến nỗi up bản Rom máy... HTC cho Galaxy Ace. Chiếc máy chỉ sáng lên trong vòng 2 giây rồi tắt ngúm. Nguồn không khởi động được, recovery cũng không khởi động được, chẳng biết làm sao đành gác máy lại đi ngủ. Hôm sau đi bảo hành thấy bên kỹ thuật họ bảo máy bị cháy main và lỗi này là do khách hàng nên bên Samsung sẽ không có trách nhiệm bảo hành. Tôi chết lặng người ,ngay lập tức có những tiếng nổ lung bung trong đầu và cảm giác rõ rệt mình vừa đánh mất một thứ gì đó vô cùng quý giá. Lần đầu tiên tôi thấy trong cuộc sống của tôi, tính tò mò quá độ quay lưng làm hại đến chính bản thân mình, cú sốc lên tận não khiến nhiều tháng sau đó tôi không dám đụng chạm gì đến cái ứng dụng đã gây ra thảm họa main cho tôi. Không dùng CWM có nghĩa là bỏ đi chức năng tự tìm kiếm bản ROM tương thích với máy trên mạng, muốn vọc tiếp thì phải tự tìm kiếm bằng tay và update thủ công với recovery Clockworkmod, rất may trên các diễn đàn về Android có chia sẻ miễn phí tất cả các bản Rom có thể chạy tốt trên máy Galaxy Ace, và niềm đam mê đã sống lại, thôi thúc tim.
Hơn một năm sử dụng Galaxy Ace nói riêng và Android nói chung, tất cả những nỗi buồn vui đều có, trạng thái bực dọc và cả hưng phấn khi "mod" lại được toàn bộ phần mềm hệ thống của máy đều có, tôi biết mình yêu Android hơn bất cứ một hệ điều hành nào khác: Đó là một hệ sinh thái tuyệt vời, môi trường tốt giúp cho trí não mở ra được những chân trời mới. Tôi không dám ngộ nhận mình là người thông minh hiểu biết về công nghệ, nhưng những gì tôi học được qua nhiều thiết bị số là một trí tò mò cao độ và tinh thần dám đối đầu với mạo hiểm sẽ giúp ích được rất nhiều cho bản thân. Nếu bạn chỉ biết nhắm mắt chạy theo công nghệ mà không biết sử dụng công nghệ đúng cách trong cuộc sống, bạn sẽ bị phụ thuộc quá nhiều vào công nghệ. Bạn thông minh hơn bạn tưởng và hãy vận dụng trí trông minh của mình ở nơi nó cần đến.
Trương Đình Anh