Vào cuối thế kỷ 20, rùa khổng lồ Galapagos sinh sống trên quần đảo cùng tên ngoài khơi Ecuador có nguy cơ tuyệt chủng. Từ hơn 250.000 cá thể vào thế kỷ 16, số lượng của chúng giảm xuống chỉ còn 3.000 con vào thập niên 1970, chủ yếu do con người săn bắt. Rùa là loài tương đối chậm chạp và tự vệ kém, do đó dễ thu thập và nuôi sống trên tàu, nơi chúng có thể sống sót một năm mà không cần thức ăn, cung cấp thịt tươi cho thủy thủ. Ngoài săn bắt quá mức, con người còn mang theo loài xâm hại lớn nhất đối với hệ sinh thái mong manh trên đảo là dê. Loài ăn cỏ tưởng chừng vô hại này ngấu nghiến tất cả thực vật có sẵn, bao gồm nhiều thực vật hiếm, và cạnh tranh tài nguyên khan hiếm trên đảo với động vật bản xứ. Khi dê ăn sạch cây cối trên các đảo, rùa Galapagos bắt đầu biến mất.
Năm 1995, nhà chức trách quyết định xóa sổ dê ở Galapagos để cứu hệ động thực vật bản xứ của hòn đảo. Hai năm sau, dự án Isabela được vạch ra, theo đó họ sẽ tiêu diệt dê và lừa trên đảo Isabela, lợn, dê và lừa trên đảo Santiago, và dê trên đảo Pinta.
Năm 1999, một nhóm xạ thủ lùng sục dấu chân trên 3 đảo và bắn những con dê từ trực thăng. Đây là một trong những chương trình tiêu diệt tiên tiến nhất thời đó. Trong vòng vài năm, 90% dê bị xóa sổ tương đối dễ dàng. Nhưng khi dê trở nên ít hơn, chúng cũng khó phát hiện hơn. Số dê còn lại học được cách cảnh giác với thợ săn, bắt đầu lẩn trốn trong bụi rậm, hang động hoặc ống dung nham. 10% số dê còn lại ngày càng khó loại bỏ. Để xóa sổ hoàn toàn loài dê, thợ săn phải sử dụng một biện pháp khác gọi là "dê Judas".
Một đàn dê cỡ vài trăm con được thu gom, triệt sản và tiêm hormone khiến chúng động dục dài hạn, lắp vòng cổ theo dõi bằng tín hiệu vô tuyến và thả trên các đảo. Do dê là động vật xã hội, chúng tìm kiếm những con dê khác theo bản năng. Thông qua theo dõi dê Judas, thợ săn có thể lần ra số dê còn lại. Sau khi tìm thấy một đàn, họ sẽ bắn chết tất cả trừ dê Judas để chúng tiếp tục tìm thêm dê đang lẩn trốn. Họ để nguyên xác dê phân hủy để dưỡng chất hữu ích mà dê tiêu thụ trên đảo có thể quay lại lòng đất. Việc mang thịt dê đi sẽ lấy hết dưỡng chất khỏi đảo vĩnh viễn, theo tiến sĩ Karl Campbell, quản lý hoạt động của dự án Isabela.
Hơn 200 con dê Judas được triển khai trên đảo Santiago và 770 con khác trên đảo Isabela lớn hơn trong 2 năm. Năm 2006, chúng là những con dê duy nhất còn lại trên các đảo mục tiêu. Đàn dê xâm hại chỉ còn lại 20 - 30 con ở đảo Santiago và 266 con ở đảo Isabela. Chúng được phép sống trên đảo nhằm mục đích theo dõi.
Sau khi quần đảo Galapagos sạch bóng dê, cây cối bắt đầu phục hồi. Những cây nhỏ bắt đầu mọc lại từ gốc cụt mà bầy dê để lại. Các loài cây bụi rậm cao nguyên, cây rừng, xương rồng và nhiều loài đặc hữu tăng về số lượng. Kết hợp với nhân giống nuôi nhốt, quần thể rùa khổng lồ cũng phục hồi.
Dự án Isabela là nỗ lực tái tạo đảo lớn nhất thế giới tính đến nay. Trong 7 năm, hơn 140.000 con dê bị xóa sổ khỏi nửa triệu hecta đất với chi phí 10,5 triệu USD. Vài trăm con cuối cùng khó tiêu diệt nhất và tiêu tốn nhiều tiền nhất. Thành công của dự án Isabela thúc đẩy các nhà bảo tồn tiến hành chương trình xóa sổ trên 3 hòn đảo khác. Kết hợp bắn từ trên cao, dùng chó săn và dê Judas, họ đã diệt thêm 10.000 con dê giữa năm 2006 và 2009.
An Khang (Theo Amusing Planet)