Có chồng giàu lại chiều vợ, chuyện thường xuyên làm mới mình với chị Loan chẳng phải vấn đề gì to tát. Sau khi con trai út tròn 1 tuổi, chị quyết lấy lại vẻ đẹp thời con gái của mình.
Ngoài việc ăn kiêng, uống thuốc giảm béo, chị Loan tức tốc đi mua váy đầm dành cho teen để mặc. Ngoài váy xòe, bờm nơ, chị cũng rất chăm chút cho kiểu tóc mỗi khi đến nơi làm việc. Khi thì là tóc búi củ tỏi, lúc thì buộc tóc đuôi ngựa hoặc tết tóc hai bên để trông trẻ trung.
Chưa hết, chị Loan còn rất thích sử dụng ngôn ngữ teen: “đúng hem”, “iu tóa”, “thoai”, “pít”... trong cách nói chuyện và cả khi gửi email cho mọi người. Chị hào hứng kể, nhiều lần đồng nghiệp không dịch được nội dung chị gửi, đành phải nhờ mấy đứa cháu giúp.
Cũng vì sử dụng ngôn ngữ teen, chị Tâm (36 tuổi, Cổ Nhuế, Hà Nội) từng gặp phải sự cố trong công việc. Trong một buổi thuyết trình gặp mặt đối tác, chị buột miệng hỏi: “Mọi người có chỗ nào thắc mắc hem?”. Lời vừa nói ra đã biết mình hớ, chị ngượng đỏ cả mặt, cúi đầu xin lỗi trước những ánh nhìn ngơ ngác của đối tác và sự nhăn nhó của đồng nghiệp. Sau vụ ấy, chị bị sếp cảnh cáo. Tuy nhiên, chị vẫn không định thay đổi cách nói này với đồng nghiệp, bạn bè và gia đình.
Không chỉ sính ngôn ngữ của giới trẻ, chị Tâm còn thích chụp ảnh như mấy bé học sinh. Trên Facebook của chị tràn ngập những kiểu ảnh tru môi, tròn mắt, phính má… “Bạn bè xem ảnh cứ trầm trồ mãi, gái hai con rồi mà như mới 18, người thì bảo mình như mới 16…”, chị vui vẻ kể. Càng được khen, chị càng chăm "up" ảnh bằng chiếc điện thoại cầm tay, bất kể là khi đang đi làm hay ở nhà.
“Sự trẻ trung thể hiện qua ánh mắt, lời nói, phát biểu, hình thức… chính là biểu hiện của hiện tượng cưa sừng làm nghé”, tiến sĩ xã hội học Trịnh Hòa Bình (Giám đốc Trung tâm Truyền thông Dư luận, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) khẳng định.
“Mục đích của sự thể hiện này muốn nói với mọi người rằng mình rất trẻ trung, cập nhật và có đời sống mới mẻ. Nhưng thực tế đây là những hành động kỳ quặc, không phù hợp nhằm níu giữ hào quang của nhan sắc và ẩn sâu là mong muốn người khác chú ý đến mình”, ông Bình nhận định.
Chuyên gia cho rằng những hành động, giọng điệu cưa sừng làm nghé khiến cho người xung quanh ở công sở bị phân tâm, buộc phải theo dõi và bực dọc. Việc này còn tạo thói quen tám chuyện trong cơ quan, trong khi chính người cưa sừng làm nghé sẽ nhanh chóng bị đặt vào diện hâm hâm, dở khóc dở cười, là đối tượng bàn tán của những người khác.
Cho rằng xu hướng teen hóa không ảnh hưởng quá tiêu cực đến người xung quanh, phó giáo sư tâm lý Nguyễn Thị Minh Hằng (Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ và Tư vấn Tâm lý) cũng nhận thấy hiện tượng này gây ra sự phản cảm nhất định.
Bà cho rằng, bình thường người phụ nữ lớn tuổi phải là hình mẫu về sự chín chắn, đoan trang để các bạn trẻ học tập, đằng này lại trở thành hình ảnh không nghiêm túc, gây cười vì sự mâu thuẫn giữa ngoại hình, hành vi với tuổi tác.
“Cách ăn mặc và ứng xử teen hóa như vậy đã 'tố cáo' sự mâu thuẫn và không cân bằng tâm lý bên trong của những người phụ nữ này. Thường thì người phụ nữ nào cũng trải qua giai đoạn mất cân bằng về tâm lý khi họ cảm nhận rằng tuổi trẻ đã đi qua, nhưng phần lớn mọi người nhanh chóng lấy lại sự cân bằng nội tâm và thích ứng với tuổi tác của bản thân”, bà khẳng định.
Không chỉ những "gái già" công sở hồi teen, bà Hằng còn thấy rất nhiều phụ nữ 50-60 tuổi nhưng vẫn mặc váy búp bê. “Họ không muốn chấp nhận tuổi tác, tiếc nuối tuổi trẻ. Họ muốn trấn an bản thân rằng mình vẫn còn trẻ, hiện đại và không bị lạc hậu. Hơn nữa, theo cơ chế bắt chước xã hội, bị ảnh hưởng bởi truyền thông, phim ảnh, họ nhìn các bạn trẻ xung quanh và cũng muốn mình được trẻ trung như thế”, bà Hằng nhận định.
Bà cho rằng, theo quy luật thời gian con người đều sẽ già đi. Mọi người nên chấp nhận điều này và ứng xử phù hợp với tuổi tác của mình mới là thuận theo quy luật của cuộc sống. “Hơn nữa, mỗi độ tuổi lại có những nét đẹp riêng. Người phụ nữ nên tìm cho mình những nét đẹp riêng của bản thân để mình đẹp hơn mà không cần phải viện đến những cách thức khác. Làm những việc có ý nghĩa với bản thân và người khác để nâng cao hình ảnh và giá trị bản thân, khi đó người phụ nữ lớn tuổi không cần đến những 'phương tiện' kém hiệu quả như ăn mặc không phù hợp, sử dụng ngôn ngữ của teen...”, bà Hằng khẳng định.
Nguyễn Hòa