Ý định của chị Thảo là nhờ bệnh viện đông lạnh trứng trước khi vào phác đồ điều trị ung thư để trứng khỏe mạnh. Sau này khi cần thiết chị sẽ dùng trứng này để được hỗ trợ sinh sản có thể sinh con. Theo bác sĩ Lê Thị Thu Hiền, Phó Giám đốc Bệnh viện Chuyên khoa Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, đây là nhu cầu có thật của nhiều chị em không may mắc bệnh hiểm nghèo.
Họ là những phụ nữ trẻ mắc bệnh cần phải điều trị trước khi sinh như ung thư hoặc một số bệnh lý khác mà trong quá trình điều trị có nguy cơ ảnh hưởng đến khả năng sinh sản; suy buồng trứng do thuốc... Ngày nay nhiều chị em chưa muốn sinh con thứ hai hay dự tính sẽ sinh muộn, thậm chí cả những cô gái trẻ đến trữ lạnh trứng với lý do "để dành" cho tương lai khi hiện tại họ chưa thể thực hiện thiên chức làm mẹ.
Nguyễn Vân Anh 22 tuổi ở Hà Nội đến bệnh viện xin trữ lạnh trứng với lý do "để dành" cho tương lai. Sau khi hoàn thành khóa học ở Việt Nam, Vân Anh dự định đi du học ở nước ngoài, bản thân không có ý định kết hôn sớm. Để chắc chắn khả năng có con sau này, cô quyết định đông lạnh trứng.
Bác sĩ Hiền cho biết, bệnh viện đã tiến hành trữ lạnh trứng cho rất nhiều trường hợp điều trị thụ tinh trong ống nghiệm, nhưng vì lý do nào đó chồng không lấy được tinh trùng và người phụ nữ phải trữ hết toàn bộ trứng bằng phương pháp trữ lạnh nhanh. "Những phụ nữ muốn gửi trứng khi còn trẻ để sinh con muộn là suy nghĩ đúng. Khi người phụ nữ nhiều tuổi mang thai, thai nhi sẽ bị ảnh hưởng bởi yếu tố mẹ lớn tuổi gây ra các vấn đề dị tật thai nhi hay một số bệnh tật khác...", bác sĩ Hiền nói.
Nữ bác sĩ khẳng định, chất lượng trứng sau thời gian trữ lạnh không thay đổi theo thời gian. Nếu phụ nữ trữ trứng ở độ tuổi 20 mà 30 hay 40 tuổi mới có nhu cầu sinh con thì trứng được rã đông và chất lượng trứng vẫn như ở độ tuổi 20. Tỷ lệ trứng sống sau khi rã đông khá cao. Đây là phương pháp hiệu quả giúp chị em duy trì việc sinh con.
Theo phương pháp này, trứng của người phụ nữ được chọn lựa và lấy ra khỏi cơ thể vào thời điểm thích hợp nhất và lưu giữ bằng phương pháp giữ lạnh trong môi trường nitơ lỏng âm 196 độ C. Một vài năm sau, khi những phụ nữ này muốn có con trở lại, các bác sĩ có thể sử dụng trứng này tiến hành thụ tinh nhân tạo cho trứng và cấy trở lại cơ thể người mẹ.
Bác sĩ Hiền nhấn mạnh, điều kiện đầu tiên để trữ lạnh trứng là người phụ nữ phải còn trứng. Để lưu trữ trứng, người phụ nữ phải trải qua việc kích thích buồng trứng, gây mê khi chọc hút trứng. Do đó trước khi tiến hành, chị em được kiểm tra sức khỏe kỹ lưỡng, khám âm đạo, siêu âm theo dõi noãn qua ngả âm đạo, phải làm xét nghiệm bệnh di truyền, bệnh lây qua đường tình dục… Những người mắc bệnh nan y, các bệnh lý thuyên tắc hay bệnh nội khoa mạn tính như suy tim, suy gan, thận, bệnh về rối loạn đông máu cũng phải được kiểm tra kỹ. Người bị ung thư liên quan đến nội tiết, ung thư vú, ung thư buồng trứng cần được cân nhắc bởi quá trình kích thích buồng trứng sẽ làm cho bệnh nặng hơn.
Theo nhiều chuyên gia hiếm muộn, so với trữ lạnh tinh trùng hay trữ lạnh phôi, nhu cầu trữ lạnh trứng không nhiều bằng. Một ca trữ lạnh trứng khá tốn kém, chi phí lên tới 30-50 triệu đồng.
Linh Nga