Phụ nữ đóng một vai trò quan trọng trong lực lượng lao động ở Đài Loan. Trong thời buổi kinh tế suy thoái, áp lực việc làm càng trở nên nặng nề hơn bao giờ hết. Đó là nguyên nhân khiến tuổi kết hôn trung bình ở hòn đảo này tăng từ 24 tuổi vào những năm 1980, lên 30 tuổi như hiện nay, và dẫn đến xu hướng đông lạnh trứng.
"Tôi không biết khi nào buồng trứng của mình bắt đầu thoái hóa nhưng tôi biết chắc rằng tôi sẽ lấy chồng muộn và sẽ làm mẹ", Linn Kuo, 34 tuổi, người đã chọn giải pháp đông lạnh trứng từ ba năm trước nói.
Kuo đang làm quản lý tại công ty trách nhiệm hữu hạn Hệ thống Cisco Đài Loan với thu nhập cao và có thể làm việc tại nhà. Tuy nhiên, trong khi đường công danh trôi chảy thì đường tình duyên của cô lại khá lận đận.
Sau khi mẹ mất, Kuo nhận ra rằng việc có con cái đỡ đần bên cạnh lúc gần đất xa trời là rất quan trọng. "Tôi đã nghiên cứu và quyết định đông lạnh trứng", cô nói.
Lai Hsing-hua, giám đốc phòng khám tại trung tâm sinh sản e-Stork, thành phố Tân Trúc, phía bắc Đài Loan, cho hay ông nhận ra sự cần thiết của dịch vụ đông lạnh trứng khi nhiều bệnh nhân đề nghị xin trứng hỗ trợ sau khi kết hôn muộn.
"Chúng tôi nghĩ nếu họ đông trứng sớm hơn, có thể họ sẽ không cần phải dùng trứng hỗ trợ nữa", ông nói. "Đó là lý do tại sao chúng tôi kết hợp thụ tinh nhân tạo với ý tưởng trên, nhằm giúp họ không phải sử dụng trứng của người khác khi khả năng sinh sản đã giảm sút".
Mỗi tháng, phòng khám của ông Lai nhận được hơn 100 cuộc gọi hỏi về việc đông trứng. Cách đây 5 năm, chỉ có 20 trường hợp lựa chọn phương pháp này. Năm 2011, con số này tăng lên trên 70 trường hợp và hơn 50 trường hợp vào năm ngoái. Trong 6 tháng đầu năm nay, có hơn 40 người đã đông trứng ở phòng khám của ông Lai.
Nhờ có công nghệ phát triển, phôi thai hiện nay có tỷ lệ sống sót rất cao với phương pháp đông trứng. Dịch vụ này có chi phí khoảng 80.000 Đài tệ (2.700 USD) và toàn bộ quá trình lấy trứng chỉ mất khoảng 20 phút.
Chen Fen-ling, một giáo sư thuộc đại học Đài Bắc, cho hay, những áp lực xã hội đang khiến phụ nữ trì hoãn việc cưới xin và xây dựng gia đình.
"Phụ nữ đã kết hôn giống như những ngọn nến đang cháy ở cả hai đầu", bà nói. "Họ đi làm kiếm tiền cả ngày nhưng khi trở về nhà, họ phải tiếp tục chăm sóc con cái và bố mẹ chồng. Áp lực này thường khiến phụ nữ do dự khi quyết định kết hôn".
Những áp lực về nghề nghiệp, hôn nhân và làm mẹ này được phản ánh rõ trong tỷ lệ sinh thấp của hòn đảo. Cả Đài Loan và Hong Kong đều đứng thứ ba từ dưới lên trong bảng xếp hạng toàn cầu về tỷ lệ trẻ sơ sinh trên một phụ nữ, chỉ xếp trên Macau và Singapore. Đây là thông tin của World Factbook, một ấn phẩm thường niên của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA).
Nhân Mã (theo AsiaOne)