Nhà lãnh đạo Libya Moamer Gadhafi thề sẽ chiến đấu đến cùng. Ảnh: AFP |
"Chúng tôi sẽ tiếp tục chiến đấu và cuộc chiến sẽ còn kéo dài cho đến khi NATO rút khỏi Libya. Chúng tôi sẽ không đầu hàng", Gadhafi nói trong một đoạn ghi âm phát đi trên truyền hình vào tối muộn hôm thứ năm.
"Sẽ không có bất kỳ thỏa thuận nào nữa sau khi họ ra tay giết các con và cháu của chúng ta. Họ chỉ có thể ra đi", nhà lãnh đạo bày tỏ sự thương tiếc đối với đồng đội của mình là Khuwildi Hemidi cùng một vài thành viên khác trong gia đình thiệt mạng trong cuộc không kích của NATO hồi đầu tuần.
"Chúng ta không sợ hãi. Nhưng họ lấy quyền gì mà sát hại dân thường và trẻ em?"
Trong khi NATO xác nhận máy bay của liên quân đã tấn công vào miền tây của Tripoli nhưng là nhằm vào các mục tiêu quân sự chứ không phải dân sự thì người phát ngôn của chính phủ Libya Mussa Ibrahim cho biết 15 người, trong đó có 3 trẻ em, đã thiệt mạng trong cuộc tấn công này. Ibrahim gọi đây là những hành động khủng bố hèn nhát không thể nào biện minh được. Gadhafi đã yêu cầu Liên Hợp Quốc gửi các quan sát viên đến xác nhận về thực hư các mục tiêu tấn công của NATO.
Theo AFP, lãnh đạo Libya cũng hứa sẽ xây dựng một tượng đài tưởng niệm cao nhất Bắc Phi để tưởng nhớ đến Khaleda, cháu gái 4 tuổi của Hemidi đã bị thiệt mạng trong chiến dịch trên.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục ở lại đây, không đầu hàng, bất chấp các cuộc không kích bằng tên lửa của phương Tây, 2 năm, 3 năm, 10 năm hay thậm chí 100 năm nữa", Gadhafi nói.
Thông điệp của nhà lãnh đạo được phát đi chỉ vài giờ sau khi người đứng đầu NATO, ông Anders Fogh Ramussen tỏ quyết tâm không giảm các chiến dịch đánh bom Libya và tuyên bố sẽ còn nhiều người dân Libya thiệt mạng nếu NATO không tiếp tục thực hiện sứ mệnh mà Liên Hợp Quốc giao phó nhằm bảo vệ dân thường trước sức mạnh của chính quyền Gadhafi.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Italy Franco Frattini hôm qua đã kêu gọi hai phe Libya đình chiến để tạo điều kiện cho nước này thực hiện công tác nhân đạo.
"Tôi tin rằng việc đình chiến là cần thiết để tạo ra những hành lang nhân đạo có hiệu quả, trong thời gian các thảo thuận tiếp tục", ông nói.
Tuy nhiên, phía NATO cũng như phe đối lập Libya đã bác bỏ lời kêu gọi này vì cho rằng nó không hợp lý.
"Người dân Libya phải được tự do và sẽ không chấp thuận bất cứ điều gì khác. Họ sẽ chiến đấu đến cùng để chiến thắng", phát ngôn viên của quân nổi dậy Libya Mahmud Shamam nói.
Phe đối lập Libya đang ngày càng nhận được nhiều sự ủng hộ và công nhận về phương diện ngoại giao của quốc tế. Hôm qua, Đan Mạch, một trong những thành viên của NATO trở thành nước thứ 15 công nhận Hội đồng quốc gia lâm thời (NTC) là đại diện hợp pháp của người dân Libya, sau Australia, Anh, Pháp, Đức, Gambia, Italy, Canada, Jordan, Malta, Qatar, Senegal, Tây Ban Nha, UAE và Mỹ.
Anh Ngọc