Ong rất quan trọng với hệ sinh thái tự nhiên và nền nông nghiệp của con người. Tuy nhiên, ong đang suy giảm do môi trường sống và khí hậu thay đổi, đồng thời do con người ngày càng phụ thuộc vào thuốc trừ sâu khi sản xuất thực phẩm. Các nỗ lực bảo tồn ong thường xuyên bị hoạt động xây dựng cản trở.
Trong nghiên cứu mới trên tạp chí International Journal of Sustainable Design, các nhà khoa học Anh trình bày về thiết kế của gạch ong - vật liệu có thể dùng để xây tòa nhà mới hoặc thay thế một số viên gạch trong các tòa nhà cũ. Gạch ong cung cấp môi trường sống cho những con ong sống đơn độc - sinh vật thụ phấn phổ biến hơn nhiều so với loại ong mật quen thuộc, Phys hôm 28/1 đưa tin.
Theo các chuyên gia Kate Christman và Laura Hodsdon (Đại học Falmouth), Rosalind Shaw (Đại học Exeter), có khoảng 250 loài ong sống tại Anh. Trong số đó, cứ 10 loài thì có 9 loài là ong sống đơn độc, không tụ tập với đồng loại để cùng xây một chiếc tổ. Khoảng 1/20 ong sống đơn độc làm tổ trong hốc.
Việc tạo môi trường sống phù hợp cho chúng nên được ngành xây dựng quan tâm, và giải pháp sử dụng một số viên gạch với các lỗ hổng được bố trí thích hợp để xây nhà có thể triển khai dễ dàng. Gạch ong cũng không yêu cầu bảo trì liên tục. Ong sẽ phát hiện những viên gạch này và làm tổ mà không gây ra bất cứ mối đe dọa nào cho cư dân bên trong.
Thiết kế của nhóm nghiên cứu cần đủ bền chắc để thay thế cho một viên gạch xây dựng tiêu chuẩn. Bên cạnh đó, gạch ong còn có chi phí thấp và được sản xuất từ vật liệu tái chế. Khoáng vật sét kaolin phế thải dồi dào ở Cornwall là vật liệu mà nhóm nghiên cứu lựa chọn. Họ cũng bổ sung một chút cốt liệu đá granite và xi măng làm chất kết dính. Mỗi viên gạch ong có 18 lỗ, có thể mang những màu sắc khác nhau để phù hợp với từng dự án xây dựng.
"Gạch ong cung cấp địa điểm làm tổ cho những con ong đơn độc, giúp thay đổi suy nghĩ về cách sử dụng các vật liệu xây dựng hiện nay. Được sản xuất từ vật liệu tái chế có nguồn gốc địa phương, gạch ong có chức năng kép, vừa là vật liệu xây dựng, vừa giúp đẩy mạnh đa dạng sinh học", nhóm nghiên cứu giải thích.
Thu Thảo (Theo Phys)