Một bác sĩ công tác ở trạm y tế nói với tôi "khi chúng em gửi bệnh nhân lên tuyến trên, cũng đã xác định là sẽ mất hút, ai hơi đâu mà phản hồi, người bệnh cũng không có động lực gì để quay lại báo cáo".
Cũng chị bác sĩ đó, năm ngoái sau khi nghe tôi giảng về vai trò "người gác cổng hệ thống y tế" của bác sĩ gia đình, đã buồn rầu nói: "Thầy ơi, giờ còn cánh cổng nào đâu mà gác. Người bệnh được tự do thông tận tuyến tỉnh rồi, còn mấy ai cần giới thiệu chuyển tuyến nữa đâu". Câu chuyện buồn này không phải của riêng chị, riêng một trạm y tế mà là nỗi lòng chung của những người làm công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu (sau đây gọi chung là bác sĩ gia đình).
Ngày Bác sĩ gia đình Thế giới (19/5) năm nay có chủ đề "Bác sĩ gia đình luôn sẵn sàng chăm sóc bạn nơi tuyến đầu" nhưng câu chuyện của chị đồng nghiệp trẻ phản ánh một thực tế khác ở Việt Nam.
Một hệ thống chăm sóc sức khỏe thường được tổ chức theo ba tuyến chính: chăm sóc ban đầu, chăm sóc chuyên khoa và chăm sóc chuyên sâu. Trong đó, phòng khám bác sĩ gia đình hay y tế cơ sở, điểm tiếp xúc đầu tiên của người dân sẽ đóng vai trò "người gác cổng" của hệ thống y tế. Đây là thuật ngữ để chỉ vai trò của họ trong việc sàng lọc và cho phép người bệnh tiếp cận các dịch vụ chăm sóc chuyên khoa và được bảo hiểm y tế chi trả. Các bác sĩ gia đình chịu trách nhiệm mọi vấn đề sức khoẻ cho toàn bộ người dân trong một cộng đồng xác định. Họ sẽ trực tiếp xử trí, điều trị trong khả năng chuyên môn và giới thiệu người bệnh đến các cơ sở y tế khác khi cần.
Mục tiêu chính của việc thiết lập chức năng "gác cổng" là nhằm tăng cường vai trò của chăm sóc ban đầu trong hệ thống y tế. Vấn đề này đặc biệt quan trong trong bối cảnh hệ thống y tế toàn cầu đang đối mặt với tình trạng già hóa dân số và sự gia tăng gánh nặng do các bệnh mạn tính không lây nhiễm. Chăm sóc y tế tuyến đầu loại bỏ quyền tiếp cận trực tiếp của người bệnh với y tế tuyến trên (trừ trường hợp cấp cứu), thay vào đó, họ được bác sĩ gia đình tư vấn và giới thiệu đến cơ sở y tế phù hợp nhất.
Có sự khác biệt lớn về vai trò "người gác cổng" hệ thống y tế ở các quốc gia. Hầu như tất cả các nước coi chăm sóc ban đầu là trọng tâm của hệ thống y tế đều thiết lập vai trò của bác sĩ gia đình. Đây là lựa chọn bắt buộc đối với những nước có nguồn lực tài chính hạn chế và là lựa chọn hàng đầu của đa số nước có thu nhập cao (Anh, Mỹ, Italy, Australia, Hà Lan...). Ngoại trừ cấp cứu, người bệnh muốn tiếp cận với chăm sóc chuyên khoa hay nhập viện hoặc phải qua bác sĩ gia đình giới thiệu để được hưởng chế độ bảo hiểm y tế; hoặc tự tiếp cận và phải trả tiền túi với mức phí cao.
Một số nước khác như Pháp, Bỉ, Thụy Sĩ tuy không bắt buộc nhưng có cơ chế khuyến khích về tài chính cho những người tiếp cận dịch vụ chăm sóc chuyên khoa thông qua bác sĩ gia đình.
Chỉ một số ít quốc gia (như Đức, Nhật Bản, Israel) cho phép người bệnh tự do tiếp cận trực tiếp với chăm sóc chuyên khoa hoặc nhập viện điều trị. Đây đều là những nước có nguồn lực kinh tế dồi dào, có tỷ trọng đầu tư cho y tế cao, với số lượng bác sĩ chuyên khoa đông đảo và mạng lưới bệnh viện rộng khắp, chịu trách nhiệm cả chăm sóc ban đầu và chăm sóc chuyên khoa.
Ở Nhật Bản, việc thiếu người gác cổng hệ thống y tế được cho là một trong những nguyên nhân quan trọng làm gia tăng quá mức số lượng bệnh nhân nội trú và gánh nặng công việc cho các bác sĩ chuyên khoa, giảm hiệu quả và chất lượng chăm sóc người bệnh, đồng thời khiến chi tiêu y tế bình quân đầu người hàng năm liên tục tăng.
Ở Việt Nam, y tế cơ sở đã đóng vai trò quan trọng trong chăm sóc ban đầu, góp phần cải thiện và nâng cao sức khỏe người dân. Mặc dù vậy, tình trạng khám chữa bệnh vượt tuyến diễn ra phổ biến dẫn đến quá tải ở các bệnh viện chuyên khoa.
Đặc biệt, chính sách thông tuyến bảo hiểm y tế đến tận tuyến tỉnh áp dụng từ ngày 1/1/2021 đã gần như vô hiệu hoá vai trò gác cổng của tuyến chăm sóc ban đầu. Chưa kể điều này còn làm tăng nguy cơ vỡ quỹ bảo hiểm y tế và khiến cho việc giảm quá tải ở các bệnh viện chuyên khoa trở nên khó khăn hơn.
Để nâng cao năng lực của tuyến chăm sóc ban đầu, trước hết cần trả lại vai trò "người gác cổng" cho bác sĩ gia đình. Bên cạnh giải pháp tăng cường đào tạo, đầu tư cơ sở vật chất trang thiết bị, cần đơn giản hóa thủ tục khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, nâng cao quyền lợi của người có thẻ bảo hiểm, tăng giá dịch vụ y tế tự chọn, áp dụng phương thức chi trả theo định suất cho tuyến chăm sóc ban đầu để khuyến khích thực thi vai trò "người gác cổng", cả từ phía người cung ứng lẫn người sử dụng dịch vụ.
Chừng nào vai trò "người gác cổng" hệ thống y tế chưa được xác lập và hoàn thiện, viễn cảnh về một mô hình "bác sĩ gia đình luôn sẵn sàng phục vụ bạn nơi tuyến đầu" như chủ đề Ngày Bác sĩ gia đình Thế giới năm nay vẫn mãi xa vời.
Trần Khánh Toàn