Một cậu bé, với quả bóng trên tay, đang hướng mắt nhìn về khu ổ chuột, mơ màng về một tương lai tốt đẹp hơn. Đấy không phải là một bức tranh tường hay một poster phim ảnh, mà là hình xăm trên cánh tay của Gabriel Jesus, chân sút đang nổi như cồn trong màu áo Man City.
Khi Gabriel ngồi yên trong một tư thế suốt mười tiếng, để người họa sĩ xăm mình thực hiện tác phẩm nghệ thuật nêu trên, anh đang kể lại câu chuyện của hàng vạn đứa trẻ Brazil. Những đứa bé có hoàn cảnh khó khăn, mơ một ngày trở thành "Ronaldo mới" và "Ronaldinho mới".
Tiền đạo mới 20 tuổi của Man City bây giờ sống trong một căn hộ rất tiện nghi ở Manchester, nhưng thỉnh thoảng Gabriel vẫn trở lại khu ổ chuột favela anh từng sống ở Jardim Peri để thăm bạn bè. Lần gần nhất anh trở về là tháng 12 năm ngoái, và bị... cảnh sát tóm. Gabriel viết trên Instagram: "Một thanh niên da màu không thể lái xe sang trong khu ổ chuột mà không bị cảnh sát vịn lại. Chúng ta đều biết một người da màu thiệt thòi như thế nào trong cộng đồng".
Mọi người ở Jardim Peri đều yêu mến Gabriel. Anh đã sống ở đây từ bé cho đến khi 16 tuổi. Ở trung tâm Sao Paulo, người ta đã vẽ một bích họa, trong đó Gabriel Jesus mặc chiếc áo số 9 của đội tuyển Brazil, kèm theo dòng chữ ‘Posso sair do Peri, mas o Peri nunca sairá de mim’ (Tôi có thể rời Peri, nhưng Peri sẽ không bao giờ rời bỏ tôi).
Rodolfo Augosto, một người bạn cũ, vẫn sống cạnh căn hộ ọp ẹp hai phòng ngủ của gia đình Gabriel ngày trước. Anh không bao giờ quên được những kỷ niệm thời thơ ấu, nơi đôi bạn đá bóng đến tối mịt, khiến không ai trong xóm ngủ được. Một số người khó tính dọa gọi cảnh sát và hai đứa đã ù té chạy. Rodolfo nói: "Cậu ấy đá bóng trước khi đến trường, đá trong giờ nghỉ ở trường và đá sau khi đi học về. Nếu không bị mẹ gọi, cậu ấy có lẽ sẽ đá bóng mà không cần ngủ. Những ngày không đi học, chúng tôi chơi bóng từ 8h sáng đến 1h khuya".
Jose Francisco Mamede, HLV phụ trách lứa từ 8-14 tuổi tại CLB bóng đá cộng đồng Pequeninos do Meio Ambiente, không bao giờ quên ngày đầu tiên ông nhìn thấy Gabriel. Cậu bé đến sân xin tập, mang theo một đôi giày cũ, đinh dưới đế đã mòn, mảng da ở mũi giày đã tróc. Không có tiền đi xe buýt, cậu mất một tiếng rưỡi để đi từ nhà đến sân, rồi chừng ấy thời gian từ sân về nhà. Cậu không đi bộ, mà vừa đi vừa tâng bóng. Chuyện thật mà cứ nghe như truyện tranh Tsubasa.
Mamede nhớ lại: "Không bao giờ đi muộn, Gabriel thậm chí là người đến đầu tiên và là người về sau cùng. Cậu ấy chưa từng lỡ một buổi tập
nào".
CLB địa phương mau chóng nhận ra hoàn cảnh của Gabriel. Cha của cậu bé chết vì một cơn trụy tim ngay khi cậu chào đời, mẹ của cậu phải làm đến ba công việc khác nhau để nuôi bốn người con. Rồi CLB quyết định trích một phần ngân sách ít ỏi của họ để mua cho cậu đôi giày mới, thỉnh thoảng gửi về nhà cậu những hộp thức ăn. Trong các trận đấu sân khách, Memede sẽ cho cậu bé quá giang trên con Beetle của ông.
Nhưng nếu chỉ có thế, sự vươn lên của Gabriel cũng không khác gì hàng ngàn cầu thủ Brazil, hoặc hàng vạn cầu thủ Nam Mỹ khác. Điều làm cho Gabriel trở nên đặc biệt là cậu bé vẫn chăm chỉ học hành, bên cạnh tình yêu không thể chối cãi với bóng đá.
Vera Lucia, người mẹ vĩ đại của Gabriel, không chỉ giữ mái nhà trên đầu các con, mà còn cố để các con không bị mang tiếng là thất học. Ở trường, Gabriel được thầy cô khen là sáng dạ, và dù đá bóng mọi lúc mọi nơi, cậu chưa từng trốn học. Gabriel có năng khiếu các môn khoa học tự nhiên, đến mức hiệu trưởng Gerson Moura của trường đại học bang Guilherme de Almeida khẳng định cậu có thể trở thành một nhà sinh vật học.
Gabriel học mỗi khi có thể. Chat với người bạn thân Rodolfo Augosto bằng phần mềm WhatsApp, tiền đạo người Braizl khoe anh đang học tiếng Anh rất khí thế, sẽ sớm có thể nói chuyện với các đồng đội và đặt món ăn trong nhà hàng mà không cần... nhìn hình.
Không một chàng trai nào thích bị mẹ bảo phải làm việc này, việc nọ khi đã trưởng thành. Nhưng Gabriel thì khác. Như nhiều người phụ nữ
tại Brazil, mẹ cậu cũng rất thích bóng đá. Và bà thường xuyên la rầy con trai khi anh không chịu... lùi về hỗ trợ phòng ngự. "Các đồng đội đã làm
mọi cách đưa bóng đến vị trí của con để con có thể dứt điểm ghi bàn. Sao con có thể đứng yên khi mọi người tìm cách lấy lại quả bóng?", lời trách
cứ đơn giản ấy đã giúp cho Jesus có thêm điểm cộng trong mắt các HLV.
Bà cũng thường xuyên bày tỏ sự khó chịu khi Gabriel bị rơi vào thế việt vị trong một tình huống đơn giản. Bà là người có thể thức cả đêm đốt nến cầu nguyện cho con trai không gặp chấn thương trong trận đấu, nhưng cũng sẵn sàng "sạc" nó hết cỡ khi chơi không tốt. Thế nên sau khi ghi bàn, Gabriel hay làm động tác như đang nghe điện thoại, theo kiểu: "Alo mẹ hả, thế bàn ấy có điểm nào để chê nữa không?".
Vì luôn được mẹ nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo dục, Gabriel vẫn luôn là một cậu bé hết sức ngoan ngoãn, lịch sự ngay cả khi đã
thành đạt. Năm 2010, mẹ Gabriel từ chối lời đề nghị tuyển mộ của Sao Paulo dành cho con trai vì cuộc chuyển nhượng ảnh hưởng đến việc học của
cậu. Khi các phóng viên châu Âu đến gặp ngôi sao trẻ của Man City, họ rất ngạc nhiên khi chàng trai không đeo kính mát, không mang tai nghe và
cũng không nhìn vào điện thoại di động cho đến khi xong việc. Chàng trai ấy thậm chí còn xin lỗi khi đến trễ.
Học hỏi và cầu thị đã tạo nên Gabriel Jesus của ngày hôm nay. Gabriel từ chối đề nghị tuyển mộ từ Barca, dù Neymar đích thân đứng ra thuyết phục, vì ở Manchester, anh tin bản thân sẽ học được nhiều hơn. "Cuộc điện thoại từ Pep Guardiola đã thuyết phục tôi", Gabriel thừa nhận.
Pep thích Gabriel vì anh là một cầu thủ rất đồng đội. Ông luôn quan niệm: thủ môn cũng phải biết tấn công và tiền đạo cũng phải biết phòng ngự. Và để thuyết phục Gabriel, ông đã phải dùng Fernando và Fernandinho ra làm bộ đôi phiên dịch, để ông mời chàng trai một bữa ăn tối.
Rogerio Micale, HLV của Gabriel trong hành trình giành HC vàng Olympic Rio 2016, nói: "Cường độ di chuyển không bóng của cậu ấy thật sự kinh khủng".
Hành trình vươn lên của Gabriel Jesus có thể gói gọn trong từ... vũ bão. Cách đây hai năm, cậu còn chơi cho đội bóng nghiệp dư Pequeninos do Meio Ambiente, trên mặt sân của khu nhà giam quân sự Romao Gomes. Trước năm 15 tuổi, Gabriel đích thị là một đứa con của đường phố, chơi thứ bóng đá phủi mà người Brazil gọi là várzea.
Mùa hè năm 2014, Gabriel còn cùng lũ bạn vẽ một bức bích họa trên tường, để cổ động cho đội tuyển Brazil tại World Cup theo truyền thống. Vậy mà đến mùa hè 2016, cậu đã dự Olympic và mang về tấm HC vàng đầu tiên trong lịch sử bóng đá Brazil. Mất bốn năm, Gabriel đi từ bóng đá phủi không trọng tài trở thành tiền đạo số một của Man City và không thể thiếu ở đội tuyển Brazil.
Nhìn sự vươn lên chóng mặt của Gabriel Jesus, Ronaldo "người ngoài hành tinh" cũng phải hâm mộ. Anh nói với TV Globo: "Tôi nhìn thấy ở Gabriel hình ảnh của chính mình ngày xưa. Cậu ấy có cả một hành trình phi thường phía trước".
Gabriel đích thị là một tài năng. Nhưng đấy là một tài năng khác lạ. Anh cũng xuất thân từ khu ổ chuột, nhưng lại không ăn chơi như Ronaldo, Adriano hay Ronaldinho. Anh có kỹ năng săn bàn tuyệt hảo, nhưng không ích kỷ mà vô cùng đồng đội. Anh kiếm được nhiều tiền từ việc đá bóng, nhưng vẫn bảo lưu kết quả chờ ngày nối lại việc học, bởi anh không bao giờ quên lời mẹ dạy: "Đã nghèo và da đen, thì dứt khoát phải học cho giỏi". Và dù cho kiếm được nhiều tiền, Gabriel vẫn khiêm tốn, nhã nhặn với tất cả.
Chàng trai trẻ ấy chỉ cho chúng ta thấy một điều: Vẫn có thể rất đặc biệt, mà không cần cố tỏ ra đặc biệt.
Hoài Thương