Trong khi gà trong nước đang xuống giá thảm hại thì gà thải loại, nhập lậu từ Trung Quốc vẫn tiếp tục tuồn vào nước ta khiến giá gà càng lao dốc mạnh.
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT), đã cảnh báo về tình trạng thừa thịt từ tháng 5 do hồi cuối năm ngoái, người chăn nuôi tái đàn mạnh, tốc độ phát triển chăn nuôi gia cầm khá nhanh.
Tăng trưởng đàn trong 6 tháng đầu năm đạt gần 6%, sản lượng thịt gia cầm đạt gần 430.000 tấn, tăng hơn 13%. Tuy nhiên, ngược lại với tốc độ tăng cung thì chi tiêu của người tiêu dùng lại giảm rõ rệt do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế. Vì vậy, giá gà trong tháng 6 và những ngày đầu tháng 7 đã giảm chỉ còn 25.000 đồng/kg.
Nhưng có một nghịch lý khó hiểu là trong khi thị trường đang thừa gà, giá gà rớt mạnh thì nhiều tháng qua, lượng gà lậu lại đang ồ ạt đổ vào nội địa. Chỉ tính riêng trên địa bàn Hà Nội, những ngày đầu tháng 7, lực lượng quản lý thị trường đã bắt giữ 17 tấn gà lậu.
Theo ông Nguyễn Huy Đăng, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Hà Nội, người Trung Quốc không ăn gà thải loại vì nó có tồn dư hóc môn, kháng sinh và nhiều chất độc hại mà họ chỉ ăn vịt và gà choai. Đối với gà thải loại họ chỉ bán với giá 5.000-6.000 đồng/kg. Trong khi nếu vận chuyển trót lọt và tiêu thụ tại Việt Nam thì giá lên đến 25.000 đồng/kg.
Với mức lãi này thì việc kiểm soát gia cầm nhập lậu gặp rất nhiều khó khăn do buôn lậu đã hình thành đường dây mà các cơ quan chức năng vẫn chưa kiểm soát được tận gốc. Từ đầu năm tới nay, Hà Nội đã chi hơn 1 tỷ đồng tiêu hủy gà nhập lậu có nguồn gốc không rõ ràng. Tuy nhiên, nếu như người buôn lậu lách luật đem về một tỉnh nào đó nuôi sau đó xin giấy kiểm dịch và mang đi tiêu thụ thì điều này không thể kiểm soát được.
Tại cuộc họp mới đây của Ban chỉ đạo Phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm ở Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Diệp Kỉnh Tần cho hay, điều bất thường ở chỗ trong khi giá gà trong nước đang rớt thê thảm thì gà lậu của Trung Quốc vẫn ùn ùn đổ sang nước ta.
Nguyên nhân là do giá gà thải loại Trung Quốc quá rẻ. “Hiện nay, giá gà công nghiệp trong nước giảm xuống chỉ còn 25.000-30.000 đồng/kg và tính ra đã thấp hơn giá thành tới 5.000-6.000 đồng/kg, tức là càng nuôi thì các chủ trại càng bị lỗ nhưng giá gà lậu, gà thải loại từ Trung Quốc vận chuyển sang lại chỉ bán bằng một nửa”.
Gà lậu tràn vào nội địa không chỉ tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh, mất an toàn thực phẩm mà còn đang tăng áp lực cho người chăn nuôi trong nước. Thực tế người tiêu dùng cũng không mong muốn sử dụng thịt gà lậu. Do đó, để bảo vệ người chăn nuôi trong nước, bảo vệ người tiêu dùng thì phải siết chặt tình trạng gà lậu ngay từ biên giới và đây là một phần trách nhiệm của các chính quyền có cửa khẩu. Bởi một khi gà lậu đã luồn sâu vào nội địa thì việc ngăn chặn, phát hiện rất khó khăn. Các địa phương nằm sâu trong nội địa cũng không có đủ lực lượng để bắt từng xe gà lậu trên cả địa bàn rộng. Chính vì vậy cần phải xử lý nghiêm khắc các đầu nậu buôn gà lậu.
Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần cũng đã đề nghị Bộ Công an, Bộ Công thương thực hiện quyết liệt công điện của Thủ tướng Chính phủ về kiểm soát tốt gia cầm nhập lậu, tránh để tình trạng gia cầm lậu tuồn vào ồ ạt như thời gian vừa qua. Theo Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần, một điều bất cập nữa là khi Trung Quốc tạm ngừng nhập gia súc, gia cầm nước ta thì một con heo của ta cũng không qua được biên giới của họ, trong khi ta dùng mọi biện pháp mà gà thải loại Trung Quốc vẫn tuồn được sang nước ta.
Hơn 10 tấn gà thải Trung Quốc vào chợ mỗi ngày
Nội tạng gà thải Trung Quốc mục nát
(Thời báo kinh tế Sài Gòn)