Trước nguy cơ phá sản ngành chăn nuôi trong nước, Hiệp hội gia cầm Đông Nam bộ đã đề nghị kiện bán phá giá với thịt gà nhập khẩu từ nước ngoài. Tại cuộc họp của Hiệp hội gia cầm Đông Nam bộ tổ chức tại Đồng Nai ngày 8/11, nhiều chủ trang trại chăn nuôi cho biết, người nông dân trong nước đang hấp hối vì phải cạnh tranh không công bằng với thịt nhập khẩu. Trong khi đó, cơ quan nhà nước dường như không quan tâm đến đời sống của người chăn nuôi.
Ông Phạm Đức Bình, Giám đốc Công ty Thanh Bình (Biên Hòa, Đồng Nai) cho biết, sau hơn 10 năm đầu tư hệ thống chăn nuôi gà tam hoàng kết hợp giết mổ và phân phối vào các hệ thống siêu thị bán lẻ với tổng đàn lên đến 500.000 con, tháng 10 vừa qua công ty đã phải giảm một nửa số lượng nuôi. “Thua lỗ từ đầu năm đến nay và không thể cạnh tranh nổi với thịt nhập khẩu” đó là nguyên nhân ông Bình giải thích về quyết định giảm đàn và cho biết thêm sẽ đóng cửa hẳn nghề nuôi gà sau khi ăn tết xong.
Tình trạng giảm đàn và đóng cửa trại như công ty Thanh Bình không phải là cá biệt mà đã trở thành chuyện phổ biến trong toàn quốc mà nguyên nhân là do thịt nhập khẩu nhập về quá rẻ. Theo ông Bình, tính cả chi phí vận chuyển mà thịt đùi, cánh gà về đến Việt Nam chỉ có 0,85 USD/kg, tính cả thuế nhập khẩu nữa mới chỉ là 20.000 đồng/kg trong khi giá thành nuôi gà lông trắng trong nước đã lên đến 30.000 đồng/kg.
Theo Cục chăn nuôi, trong chín tháng đầu năm nay, thịt gà đông lạnh nhập khẩu mà Việt Nam đưa về qua đường chính ngạch lên đến trên 52.500 tấn, chủ yếu từ Mỹ (72,2%), Braxin (10,2%) và Hàn Quốc (11,7%). Ngoài ra theo Hiệp hội chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ, còn một số lượng rất lớn thịt gà đông lạnh tạm nhập nhưng không tái xuất được đưa ra thị trường đã làm cho giá gà trong nước giảm thê thảm suốt từ đầu năm đến nay.
Ông Âu Thanh Long, Phó chủ tịch Hiệp hội gia cầm Đông Nam bộ cho biết, sở dĩ gà đông lạnh về Việt Nam rẻ đến như vậy là do gà sắp hết hạn sử dụng, gà thải loại (gà nguyên con) hoặc là những phụ phẩm như đùi và cánh gà.
“Nước ngoài không sử dụng đùi, cánh gà nên chúng được coi là phụ phẩm bán với giá rất rẻ nhưng người Việt Nam lại ưa chuộng. Đây chính là cái chết của ngành chăn nuôi Việt Nam”, ông Long nói. Bởi theo phân tích của ông Long, trình độ chăn nuôi gà công nghiệp của Việt Nam đã ngang bằng với trình độ tiên tiến của thế giới nên giá thành sản xuất tại các nước là ngang nhau. Do đó, các công ty không bao giờ dám nhập gà nguyên con về bán vì phải chịu thuế cao 40% và tiền vận chuyển nên khi về Việt Nam thì cao hơn giá trong nước nhiều.
Do đó, ông Long đề nghị trước mắt đề nghị các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra thịt gà nhập khẩu, cấm nhập khẩu thịt xẻ mà chỉ cho nhập khẩu gà nguyên con. “Đây là cách làm mà Thái Lan và Malaysia đang áp dụng nên trong nhiều năm qua không có một cục thịt nhập khẩu nào có thể vào thị trường nước họ”, ông Long cho biết.
Còn theo ông Bình, Hiệp hội chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ sẽ nhờ luật sư tư vấn cũng như có công văn đề nghị Cục quản lý cạnh tranh tiến hành kiện bán phá giá các nước xuất khẩu gà vào Việt Nam.
Nguyễn Văn Ngọc, chủ trại gà Vĩnh Cửu, Đồng Nai cho biết, ở khu vực miền Đông Nam bộ trung bình một tuần 3 công ty lớn là CP, Japfa và Emivest thả 1,5 triệu con gà giống. Để có chuồng nuôi, các công ty này liên kết với 1.000 hộ chăn nuôi. Trung bình đầu tư cho mỗi trại theo quy trình nuôi gà lạnh hết khoảng 2 tỷ đồng.
Ông Ngọc tính toán, do giá gà thấp hơn giá thành khoảng 10.000 đồng/kg nên trung bình mỗi tháng mỗi công ty lớn thả 2 triệu con gà (3kg/con) thì họ đã lỗ tới 60 tỷ đồng. “Lỗ lớn và kéo dài như thế này thì không có công ty nào chịu nổi”, ông Ngọc nói. Do giá gà thấp và bán lỗ từ đầu năm đến nay, một số công ty chăn nuôi đã có kế hoạch giảm đàn thậm chí tính chuyện rút khỏi thị trường Việt Nam. Nếu điều này xảy ra, 1.000 hộ nuôi gia công kể trên không biết làm gì vì tiền đầu tư đã bỏ ra và số tiền đầu tư 2.000 tỷ đồng (chủ yếu là vốn vay ngân hàng) sẽ trở thành nợ xấu.
“Đó là mới tính ngành nuôi gà công nghiệp tại khu vực Đông Nam bộ, ở quy mô cả nước và cả ngành nuôi gà tam hoàng thì còn lớn hơn rất nhiều”, ông Ngọc cho biết. Ông Lê Văn Quyết, chủ trại nuôi gà ở Long Thành (Đồng Nai) cho rằng, để ngành chăn nuôi đứng trước nguy cơ chết chìm như hiện nay là do nhà nước đã không quan tâm đến người chăn nuôi. “Từ trước đến nay người chăn nuôi phải tự bơi chứ không được hưởng chính sách ưu đãi gì của nhà nước. Nhưng để tự bơi chúng tôi còn sống được đằng này nhà nước lại quá dễ dãi trong việc nhập khẩu thịt thì chúng tôi không sống nổi”, ông Quyết nói.
Theo TTVN