Theo báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội, tính đến hết tháng 6, ngoài hệ thống của Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), tiêu thụ sản phẩm mang thương hiệu gà đồi Yên Thế ở các hệ thống khác sụt mạnh.
![ga-YT-1373272017_500x0.jpg](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2013/07/08/ga-YT-1373272017.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Em9uTRcMP9lpqV2WDL3Ujw)
Sàn giao dịch rau quả và thực phẩm an toàn Hà Nội chỉ thỉnh thoảng mới có điểm đặt 5-6 con do giá thành bị đẩy lên cao (cao hơn cả gà ta nuôi ở Ba Vì, Kim Bôi) nên khó cạnh tranh với các giống gà ta khác. Công ty TNHH phát triển Thành Đồng 2, từ chỗ nhập bình quân 0,5-0,6 tấn trong 2 tuần thì hiện đã ngừng nhập do tranh chấp về thương hiệu.
Sản phẩm đang được chào bán với giá từ 130.000 đến 140.000 đồng một kg. Theo nhiều bà nội trợ, mức giá này tương đương với giá gà ta (làm sẵn) ở Hà Nội.
Theo Sở Công Thương, việc tiêu thụ sản phẩm gà đồi Yên Thế ở Hà Nội có nhiều khó khăn như việc cấp giấy kiểm dịch, gà vận chuyển trong thời tiết nắng nóng dễ ốm, chết. Nhãn hiệu "gà đồi Yên Thế" được một công ty cổ phần kiến nghị phát triển thành một nhãn hiệu riêng nên đã làm ảnh hưởng tới việc nhập hàng của các doanh nghiệp Hà Nội.
Sở Công Thương Hà Nội báo cáo UBND Hà Nội để kiến nghị Chính phủ nhiều vấn đề, trong đó có việc tiếp tục xử lý gà nhập lậu; điều tiết nguồn gà cung ứng cho Hà Nội; tạo điều kiện cấp giấy kiểm dịch và kiểm tra lưu thông gà.
Cách đây nửa năm, sản phẩm gà đồi Yên Thế được đưa vào chương trình phối hợp giữa Bắc Giang và Hà Nội nhằm tạo lập thị trường tiêu thụ sản phẩm, đồng thời góp phần ngăn chặn gà thải loại nhập lậu. Lúc đó, Hapro đã đã đặt hàng 300 tấn thịt gia cầm để cung cấp cho người dân thủ đô vào dịp Tết.
Tuấn Tú