Trong quyết định vừa được ban hành, UBND tỉnh Lâm Đồng đề nghị Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật trong quá trình quản lý, khai thác kinh doanh tại ga đường sắt Đà Lạt ở số 1 Quang Trung, phường 10, TP Đà Lạt
Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng, cho biết ga Đà Lạt là di tích lịch sử cấp quốc gia, có nhiều sản phẩm mới như tuyến tàu đêm, kết nối các điểm dịch vụ ở phường 11. Nhà ga còn gắn kết với dịch vụ vận chuyển, tham quan dọc tuyến rất được khách ưa chuộng khi đến Đà Lạt.
Theo bà Ngọc, ga Đà Lạt được công nhận là điểm du lịch sẽ thu hút doanh nghiệp đầu tư, nâng cấp để đảm bảo chất lượng sản phẩm, cũng như bổ sung thêm các dịch vụ để phục vụ du khách tốt hơn. Thời gian qua, tuyến Đà Lạt - Trại Mát được tu bổ, tôn tạo đã được đánh giá cao.
Nhà ga nằm trên tuyến đường sắt Phan Rang - Đà Lạt dài 84 km, do người Pháp xây đầu thế kỷ XX. Công trình có chiều dài 66,5 m, ngang 11,4 m và cao 11m, do hai kiến trúc sư Moncet và Reveron thiết kế, mang dáng dấp của các nhà ga miền Nam nước Pháp - có mái và hai đầu mái uốn vòm.
Tuyến Tháp Chàm - Đà Lạt là một trong hai tuyến đường sắt răng cưa leo núi đầu tiên trên thế giới, được khởi công năm 1908, hoàn thành năm 1932 và đưa vào sử dụng 4 năm sau đó. Đây là tuyến đường sắt răng cưa dài và độc đáo, không chỉ của Việt Nam mà của cả thế giới. Sau năm 1975, gần như toàn bộ đường ray, tà vẹt trên tuyến đường này được tháo gỡ. Năm 1991, đoạn Đà Lạt - Trại Mát được khôi phục hơn 6,7 km đường chính, hơn 800 m đường ga, chở khách tham quan.
Toàn tuyến đường sắt này đang được nghiên cứu khôi phục. Tuyến dự kiến đi qua TP Phan Rang, huyện Ninh Sơn, Ninh Thuận đến huyện Đơn Dương, TP Đà Lạt, Lâm Đồng, dài 83,5 km, qua 16 ga và trạm khách. Đường ray khổ rộng 1.000 mm, tốc độ thiết kế 30-60 km/h, sử dụng đầu máy diesel và toa xe tải trọng nhẹ.
Thời gian thực hiện dự án từ tháng 1/2025 đến 6/2029, thi công từ tháng 6/2026 đến 12/2028, chạy thử và vận hành từ tháng 6/2029 đến 12/2029.
Trường Hà