"Trong hai ngày tới ở Schloss Elmau, chúng tôi sẽ thảo luận về tương lai chung, nền kinh tế toàn cầu tạo ra việc làm và cơ hội, việc duy trì một Liên minh châu Âu mạnh mẽ, thịnh vượng, thiết lập quan hệ đối tác thương mại mới xuyên Đại Tây Dương, về việc chống lại sự xâm lấn của Nga tại Ukraine, chống lại các mối đe doạ từ chủ nghĩa cực đoan bạo lực đến biến đổi khí hậu", ông Obama nói tại thị trấn gần Schloss Elmau, nơi diễn ra hội nghị.
Hội nghị thượng đỉnh thường niên của lãnh đạo các nước giàu nhất thế giới đang diễn ra ở dãy núi Bavaria. Nga bị loại khỏi nhóm trước đây từng được biết đến với cái tên G8, kể từ khi sáp nhập Crimea năm ngoái.
Phương Tây cáo buộc Nga gửi lực lượng quân sự tới đông Ukraine để hỗ trợ phe ly khai. Moscow bác cáo buộc, cho rằng bất cứ lính Nga nào ở đây đều là những người tình nguyện.
Theo BBC, hiện nhiều người lo ngại Tổng thống Nga Vladimir Putin đang tăng cường gây áp lực quân sự ở Ukraine, và Nga đã đối mặt với các lệnh trừng phạt của Mỹ và các nước châu Âu.
Đức, Anh và Mỹ muốn một có một thoả thuận nhằm hỗ trợ cho bất cứ nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) nào đang bị "dụ dỗ" ngừng ủng hộ các lệnh trừng phạt Moscow.
Tuy nhiên, ông Putin hôm qua nói Nga không phải là một mối đe doạ và "có việc khác đáng bận tâm hơn". "Chỉ có một kẻ điên và chỉ trong mơ mới có thể hình dung Nga sẽ đột nhiên tấn công Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO)", ông Putin nói với báo Corriere della Sera của Italy.
Cuộc khủng hoảng nợ Hy Lạp và cách xử lý tình trạng ấm lên toàn cầu cũng sẽ nằm trong chương trình nghị sự. Thủ tướng Anh David Cameron cho biết ông dự định tận dụng hội nghị G7 để kêu gọi những lãnh đạo thế giới giúp tiêu diệt "căn bệnh ung thư của tham nhũng", sau bê bối của Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA).
Báo Yomiuri của Nhật hôm qua đưa tin nhưng không dẫn nguồn, rằng G7 sẽ bày tỏ mối quan ngại đối với bất cứ hành động đơn phương nào làm thay đổi nguyên trạng Biển Đông và Hoa Đông.
Trước thềm hội nghị G7, hàng nghìn người biểu tình diễu hành ở thị trấn Garmisch-Partenkirchen gần đó, và một số vụ đụng độ rải rác với cảnh sát diễn ra. Một số người biểu tình bị thương được đưa tới bệnh viện, nhưng bạo lực nhìn chung nhỏ, trong tương quan với hội nghị thượng đỉnh các năm trước. 17.000 sĩ quan cảnh sát đang được triển khai để đảm bảo an ninh hội nghị.
Hội nghị thượng đỉnh có sự tham gia của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe, Thủ tướng Anh David Cameron, Tổng thống Pháp Francois Hollande, Thủ tướng Đức Stephen Harper và Thủ tướng Italy Matteo Renzi.
Bà Merkel cũng sẽ hy vọng sử dụng hội nghị để bàn về kế hoạch của bà trong việc cải cách triệt để phản ứng toàn cầu với những bệnh dịch như Ebola. Thủ tướng Đức muốn Tổ chức Y tế Thế giới tổ chức lại sao cho hiệu quả, và xây dựng một lực lượng dự bị các bác sĩ và nhà khoa học quốc tế để triển khai trong trường hợp một cuộc khủng hoảng xảy ra. Ông Cameron cũng sẽ hé lộ kế hoạch về một đội "thám tử bệnh dịch", sẵn sàng bay đến bất cứ nơi nào để xác định ca nhiễm bệnh mới.
Vào ngày mai, hội nghị thượng đỉnh dự kiến thảo luận về các mối đe doạ của phiến quân từ các nhóm như Nhà nước Hồi giáo và Boko Haram, với các lãnh đạo Nigeria, Tunisia và Iraq. Các quốc gia này tạo thành một phần của nhóm các nước ngoài G7.
Trọng Giáp