Sau hai ngày thảo luận tại thị trấn Karuizawa của Nhật Bản, ngoại trưởng các nước G7 hôm nay ra tuyên bố chung cho biết không áp đặt biện pháp trừng phạt mới với Nga liên quan chiến sự Ukraine. Tuy nhiên, họ cam kết tăng cường thực thi lệnh trừng phạt và đối phó các nước giúp Nga mua vũ khí cũng như né tránh lệnh trừng phạt.
"Các bên thứ ba phải ngừng hỗ trợ cuộc chiến của Nga, nếu không họ sẽ phải trả giá đắt", tuyên bố chung cho hay. "Chúng tôi sẽ củng cố sự phối hợp để ngăn chặn và đáp trả các bên thứ ba cung cấp vũ khí cho Nga".
Mỹ và các nước phương Tây cho rằng Triều Tiên, Iran cung cấp vũ khí hỗ trợ Nga ở Ukraine. Bình Nhưỡng và Tehran nhiều lần bác bỏ những cáo buộc này.
Phương Tây cũng lo ngại rằng Trung Quốc sẽ cung cấp vũ khí cho Nga nhưng Bắc Kinh nhiều lần bác bỏ. Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương hôm 14/4 tái khẳng định Bắc Kinh không cung cấp vũ khí cho các bên liên quan xung đột Ukraine.
Các ngoại trưởng G7 cũng lên án việc Nga sẽ triển khai vũ khí hạt nhân ở Belarus. "Những tuyên bố hạt nhân vô trách nhiệm của Nga và mối đe dọa triển khai vũ khí hạt nhân ở Belarus là không thể chấp nhận được. Bất kỳ việc sử dụng vũ khí hóa học, sinh học hoặc hạt nhân nào từ Nga đều sẽ phải chịu hậu quả nghiêm trọng", theo tuyên bố chung.
Tổng thống Nga Vladimir Putin tháng trước cho biết Nga sẽ bố trí vũ khí hạt nhân chiến thuật trên lãnh thổ nước láng giềng Belarus. Moskva lý giải động thái này xuất phát từ việc NATO mở rộng về phía biên giới Nga.
Đây là lần đầu tiên Nga tuyên bố triển khai vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ quốc gia khác kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc hơn 30 năm trước. Mỹ và các đồng minh phương Tây chỉ trích kế hoạch này "nguy hiểm" và "vô trách nhiệm".
Tuyên bố của G7 cũng nhắc đến "các hoạt động quân sự hóa" của Trung Quốc ở Biển Đông và khẳng định chính sách Đài Loan của khối không thay đổi, bất chấp những bình luận gây tranh cãi gần đây của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.
"Không có cơ sở pháp lý nào cho các yêu sách rộng lớn của Trung Quốc ở Biển Đông và chúng tôi phản đối hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc trong khu vực", các nhà ngoại giao hàng đầu cho biết.
G7 gồm các nước Mỹ, Anh, Pháp, Canada, Nhật Bản, Đức và Italy. Hội nghị ngoại trưởng ở Karuizawa tạo tiền đề cho hội nghị thượng đỉnh các lãnh đạo G7 tháng tới tại Hiroshima, nơi Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida muốn giải trừ hạt nhân trở thành nội dung thảo luận chính. Tuyên bố của các ngoại trưởng dành một đoạn dài về giải trừ quân bị và không phổ biến vũ khí hạt nhân.
Tuyên bố kêu gọi tất cả các nước minh bạch kho vũ khí hạt nhân của họ, yêu cầu Nga tuân thủ lệnh cấm thử hạt nhân và Trung Quốc tổ chức các cuộc đàm phán "giảm thiểu rủi ro" với Mỹ.
Đề cập vấn đề Triều Tiên, các ngoại trưởng G7 yêu cầu Bình Nhưỡng "kiềm chế" thử hạt nhân và phóng tên lửa đạn đạo.
"Chúng tôi yêu cầu Triều Tiên không có bất kỳ hành động gây mất ổn định hoặc khiêu khích nào khác", tuyên bố nêu. "Những hành động như vậy phải bị đáp trả bằng phản ứng quốc tế nhanh chóng, thống nhất và mạnh mẽ, bao gồm các biện pháp quan trọng hơn nữa sẽ được Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thực hiện".
Triều Tiên cáo buộc Mỹ và đồng minh đang có "những động thái leo thang nhằm phát động cuộc chiến tranh xâm lược" khi tiến hành loạt cuộc tập trận chung, buộc Bình Nhưỡng xem xét đến "hành động thực tế mạnh mẽ", trong đó có biện pháp quân sự.
Triều Tiên hôm 13/4 phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Hwasong-18. KCNA cho hay Hwasong-18 là tên lửa mang động cơ nhiên liệu rắn đa tầng hiệu suất cao, trang bị công nghệ tách tầng và hệ thống điều khiển có độ tin cậy cao. Đây là lần đầu tiên Triều Tiên thử thành công ICBM sử dụng nhiên liệu rắn sau nhiều năm phát triển công nghệ.
Huyền Lê (Theo AFP, Reuters)