Trong cuộc đời 87 năm của nhà văn vừa qua đời, sự việc ông công bố từng đi lính và phục vụ Đức Quốc xã năm 17 tuổi là một trong ít chi tiết gây tranh cãi nhất. Năm 2006, Günter Grass ra mắt hồi ký Bóc vỏ hành, tiết lộ mình từng là thành viên của quân đội Waffen SS. Những lời tự thú trong sách lập tức khiến nhà văn bị chỉ trích dữ dội bởi người đọc. Tác giả Cái trống thiếc - người được coi là "lương tri nước Đức và châu Âu thế kỷ 20" nhờ thẳng thắn phơi bày lịch sử Đức thời Hitler - đã giữ kín suốt 60 năm việc mình là thành viên của tổ chức quân đoàn diệt chủng. Không ít giới phê bình Đức khi đó cho rằng, Günter Grass là một kẻ đạo đức giả.
Giữa tâm bão chỉ trích, nhà văn Mỹ John Irving lên tiếng khẳng định: "Grass là người hùng văn chương và la bàn đạo đức của tôi. Lòng can đảm của ông trên văn đàn và dưới tư cách một công dân nước Đức là tấm gương sáng. Lòng can đảm đó không hề tăng lên hay sụt giảm đi trước công bố mới này của ông".

Nhà văn Günter Grass được đánh giá là tiếng nói can đảm, kể lại một mảng lịch sử đau đớn của nước Đức và thế giới.
Theo John Irving, Grass đăng lính lúc 15 tuổi với lý do để "được trốn khỏi gia đình" là một điều rất hợp lý so với độ tuổi thơ ngây. Tác giả Mỹ kể ông từng đăng lính sang chiến trường Việt Nam hồi năm 1965 (lúc 19 tuổi) cũng là để mong được trải nghiệm thế giới, dù sau đó ông bị từ chối nhập ngũ vì đã có con nhỏ. John Irving lý giải rằng, các nhà văn là những người "tiêu hóa chậm" ký ức và họ thường xuyên lấy kinh nghiệm quá khứ làm chất liệu cho tác phẩm. Vì vậy, việc Günter Grass giữ cho riêng mình và người quen biết bí mật là lính Đức Quốc xã suốt 6 thập kỷ là điều đáng đồng cảm.
"Grass là một nhà văn dám thách thức, một người đàn ông bản lĩnh. Nếu ông ấy không mạo hiểm bản thân lúc 15 và 17 tuổi, liệu ông ấy có thể có trải nghiệm cá nhân để viết văn cho người đọc?", John Irving kết luận.
John Irving là nhà văn Mỹ nổi tiếng thế giới với nhiều cuốn truyện như The Cider House Rules (1985), A Prayer for Owen Meany (1989), hay Until I Find You (2005). Ông từng giành giải Oscar cho kịch bản chuyển thể xuất sắc với phim The Cider House Rules (1999). Ông cũng là người nổi tiếng nhất khẳng định bản thân ảnh hưởng từ văn chương Günter Grass. Ngoài John Irving, nhiều tác giả khác cũng bày tỏ ngưỡng mộ với tiểu thuyết gia Đức như John Updike hay nhà văn Anh gốc Ấn - Salman Rushdie.
Sau khi Günter Grass qua đời, những lời khẳng định của John Irving được coi như còn nguyên giá trị. Günter Grass được giới phê bình đánh giá có công làm sống dậy văn hóa Đức sau thời gian dài ngủ sâu. Ông được Viện hàn lâm Thụy Điển trao giải Nobel văn chương năm 1999, khẳng định là người có công nhắc quá khứ dâu bể của thế giới.
Günter Grass cũng là thế hệ văn chương trụ cột nước Đức sau Thomas Mann (Gia đình Buddenbrook, Chết ở Venice, Núi Thần). Nhiều người từng lấy Thomas Mann làm một mốc để nhận diện rõ gương mặt văn chương Günter Grass. Thomas Mann sinh trưởng trong dòng dõi thương nhân thượng lưu cuối thế kỷ 19 nước Đức, có lối văn kinh điển, mẫu mực và mô phạm thường xuyên xoáy sâu vào đề tài mang tính triết học như sự sống và cái chết của con người. Trong khi đó, Günter Grass được đánh giá là một nhà văn nổi loạn, bất tuân truyền thống với lối văn cuồn cuộn, mang hình khối sắc nét và có đậm màu sắc hiện thực huyền ảo, kể lịch sử châu Âu.
Hôm 14/4, Thủ tướng Đức - Angela Merkel - bày tỏ tiếc thương trước một trong những nhà văn đáng kính nhất, được nhắc đến nhiều nhất nhưng cũng gây nhiều tranh cãi nhất trong lịch sử Đức hiện đại: "Với sự ra đi vĩnh viễn của Günter Grass, nước Đức mất đi một người nghệ sĩ, người tôi thành kính nói lời giã từ".
Tiểu thuyết nổi tiếng nhất của ông - Cái trống thiếc (Die Blechtrommel), đến Việt Nam từ năm 2002 qua bản chuyển ngữ của dịch giả Dương Tường.
Vũ Văn Việt