Hội thảo trực tuyến là nơi các đại diện doanh nghiệp công nghệ và đơn vị đào tạo phi truyền thống cùng thảo luận, hợp tác để thống nhất một giải pháp đào tạo, đáp ứng nhu cầu nhân lực cấp thiết cho cuộc cách mạng số ở Việt Nam.
Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, hiện, ngành IT có nhu cầu nhân lực rất lớn. Ngoài các công ty công nghệ truyền thống, thị trường đang xuất hiện rất nhiều công ty phát triển nhanh trong các lĩnh vực mới như fintech, edtech, meditech... kéo theo nhu cầu nhân lực IT từ các ngành du lịch, ngân hàng, bán lẻ, bệnh viện... cũng tăng lên.
Theo Báo cáo thị trường công nghệ thông tin Việt Nam 2021 Developers Recruitment State do TopDev công bố tháng 6, nhu cầu nhân lực IT tại Việt Nam vẫn liên tục tăng cao, dự báo thiếu hụt khoảng 150.000 nhân lực trong năm 2022. Báo cáo cũng chỉ ra, trong hơn 55.000 sinh viên ngành tốt nghiệp mỗi năm, chỉ có khoảng 16.500 sinh viên (tương đương 30%) ra trường đáp ứng đủ kỹ năng và chuyên môn doanh nghiệp cần.
Trước thực tế này, các doanh nghiệp đang tự đứng ra tổ chức đào tạo một phần nhân lực cho chính mình. Ông Nguyễn Thành Nam, nhà sáng lập FUNiX nhận định: "Để giải quyết được vấn đề thiếu hụt nhân sự trầm trọng này rất cần đến sự phối hợp hiệu quả giữa doanh nghiệp và các đơn vị đào tạo phi truyền thống".
Nội dung hội thảo gồm ba phần: "Tương lai biến động" - phác họa bức tranh ngành công nghệ thông tin trong kỷ nguyên ẩn chứa nhiều sự thay đổi và bất ổn; "Ai cũng có thể là chiến sĩ" - chỉ hướng lời giải cho bài toán nhân lực trong tương lai; "Thảo luận và cam kết hành động" từ đại diện các đơn vị.
Hội thảo có sự góp mặt của các đại diện nổi bật trong ngành công nghệ thông tin như: Nhà sáng lập FUNiX Nguyễn Thành Nam, Giám đốc Công nghệ KardiaChain Huy Nguyễn, Nhà sáng lập GotIt và STEAM for Vietnam Trần Việt Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Seedcom Đinh Anh Huân, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng Trí tuệ nhân tạo Quy Nhơn (QAI) Vũ Hồng Chiên, Tổng Giám đốc Nhà thông minh Lumi Việt Nam Nguyễn Đức Tài...
Các diễn giả sẽ chia sẻ về cơ hội tiềm năng trong thị trường công nghệ như tương lai của thế giới crypto, bài học xây dựng thung lũng AI tại Việt Nam, tiềm năng thị trường game, cũng như những thách thức, cạnh tranh khốc liệt nhân sự và doanh nghiệp công nghệ gặp phải từ các đối thủ nước ngoài, trong đó có cuộc cạnh tranh với các đại gia Trung Quốc trong lĩnh vực IOT,...
Bên cạnh đó, đại diện các đơn vị đào tạo phi truyền thống cũng sẽ chia sẻ về giải pháp giáo dục hiện hành như đào tạo theo hướng cá thể hóa - FUNiX Way, cách học STEAM hay vừa học vừa làm tại doanh nghiệp (OJT).
Chương trình là một sự kiện kết nối để các doanh nghiệp, đơn vị đào tạo phi truyền thống cùng tập hợp và thống nhất hành động. Dựa trên bản cam kết, các đơn vị sẽ cùng phối hợp để giải quyết vấn đề chung như thiếu hụt nhân sự, chảy máu chất xám, cạnh tranh không lành mạnh... đồng thời, góp tay tạo nên cơ hội chưa từng có cho người có đam mê và mong muốn làm việc trong ngành IT.
Nhà sáng lập FUNiX Nguyễn Thành Nam cho biết, ông kỳ vọng thông qua buổi hội thảo, sự đồng tâm, thống nhất hợp tác giữa doanh nghiệp và khối đào tạo phi truyền thống sẽ góp phần tạo ra nguồn nhân lực khổng lồ, tạo đòn bẩy cho Việt Nam tiến lên trong cuộc cách mạng 4.0.
Gần 6 năm qua, với xuất phát điểm đa dạng về trình độ, lứa tuổi và ngành nghề, hàng chục nghìn sinh viên FUNiX đã tham gia vào ngành công nghệ thông tin. "Đây là minh chứng cho thấy tính hiệu quả của cách tiếp cận và đào tạo mới; ví dụ điển hình của sự phối hợp hiệu quả giữa doanh nghiệp và một đơn vị đào tạo phi truyền thống", ông nói thêm.
Nhà sáng lập FUNiX tin tưởng những phương pháp đào tạo mới mẻ sẽ giúp việc học tập và theo đuổi công nghệ thông tin sẽ ngày càng dễ dàng, thuận lợi cho bất cứ ai. Đồng thời, sự cam kết đồng hành của doanh nghiệp sẽ mở ra nhiều cơ hội nghề nghiệp hấp dẫn, thu hút người học và làm, tận dụng mọi nguồn chất xám từng bị lãng phí cũng như giúp ngành công nghệ thông tin tại Việt Nam không bỏ phí cơ hội phát triển do thiếu hụt nguồn lực.
Doanh nghiệp đăng ký tham gia hội thảo tại đây.
Quỳnh Anh