Đề bài của cuộc thi là "Xây dựng một ứng dụng phần mềm, trong quá trình xây dựng yêu cầu sử dụng ChatGPT". Đơn vị tổ chức ChatGPT Hackathon nhằm khuyến khích các bạn trẻ cùng tham gia sáng tạo, tìm kiếm giải pháp công nghệ để ứng dụng chatbot đa lĩnh vực.
Cuộc thi diễn ra dưới hình thức trực tuyến bằng ngôn ngữ tiếng Việt hoặc tiếng Anh. Người tham gia đăng ký dự thi theo đội nhóm có từ 3 đến 5 người.
ChatGPT Hackathon gồm hai vòng: Sơ loại và Chung kết. Ở vòng đầu tiên, các đội đăng ký và gửi ý tưởng sản phẩm về cho ban tổ chức. 7 đội xuất sắc vượt qua vòng Sơ loại sẽ cùng tranh tài lập trình trong Chung kết để vừa hoàn thiện sản phẩm, vừa chỉnh sửa, thuyết trình, trình bày sản phẩm và phản biện các câu hỏi của ban giám khảo.
Chung kết dự kiến diễn ra vào ngày 7/5. Cơ cấu giải thưởng bao gồm một giải Nhất trị giá 20 triệu đồng; một giải Nhì trị giá 10 triệu đồng; một giải Ba trị giá 7 triệu đồng và một giải tiềm năng trị giá 5 triệu đồng. Mỗi giải thưởng đều được tặng một tài khoản học trên nền tảng Udemy trong một năm, trị giá 360 USD và một khóa học bất kỳ tại FUNiX tương đương 10 triệu đồng.
Chị Bùi Hải Lý - Trưởng phòng Phát triển Cộng đồng sinh viên FUNiX cho biết, ban tổ chức muốn nhận được sự quan tâm, tham gia của đông đảo sinh viên yêu thích công nghệ, lập trình, nhằm tìm kiếm những sản phẩm mang tính ứng dụng cao.
"Đây cũng là sân chơi giúp các bạn thỏa sức sáng tạo và thể hiện tài năng dựa trên nền tảng là ChatGPT - một trong những công nghệ nổi tiếng trên toàn cầu", chị nói thêm.
ChatGPT Hackathon có sự đồng hành của sáu doanh nghiệp trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo với vai trò nhà tài trợ và cố vấn chuyên môn: Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng AI - QAI (FPT Software Quy Nhơn); Công ty Nami Technology; Công ty Cổ phần Công nghệ UNIT; Công ty Cohost AI; Công ty Công nghệ và Tư vấn Doanh nghiệp Innocom, Công ty Cổ phần TNTech.
Theo ông Nguyễn Thành Lâm - Founder và CEO Nami Technology, ChatGPT và AI đang trong đà phát triển mạnh mẽ và có nhiều giá trị, tiềm năng lớn trong tương lai. Các bạn trẻ có thể ứng dụng nó vào sự nghiệp cũng như tạo ra nhiều giá trị giúp ích cho xã hội. Cuộc thi là cơ hội luyện tập, học hỏi từ chuyên gia, xây dựng dự án thật, phát triển kiến thức và kỹ năng thực tiễn về ChatGPT nói riêng, AI nói chung.
"Sự thành công của cuộc thi sẽ góp phần truyền cảm hứng cho các bạn trẻ muốn theo đuổi lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, từ đó, khám phá nhiều nhân tài và tạo tiền đề cho nguồn nhân lực kỹ sư AI cho Việt Nam", ông Thành Lâm nói thêm.
Ông Kim Phạm - Founder Cohost AI cũng cho biết, công ty ủng hộ và tài trợ cho ChatGPT Hackathon của FUNiX vì tin tưởng trí tuệ nhân tạo có thể thay đổi cuộc sống của gần 100 triệu người dân Việt Nam theo hướng tích cực. Công ty từng đồng hành cùng với FUNiX trao học bổng trí tuệ nhân tạo cho sinh viên. Bên cạnh đó, ý tưởng khởi nghiệp Cohost AI giai đoạn đầu cũng được nảy sinh từ một cuộc thi Hackathon bên trong Công ty Airbnb (Mỹ).
Theo ông, những cuộc thi Hackathon thúc đẩy lĩnh vực công nghệ mới có nhiều thách thức nhưng cũng có khả năng mang đến những giải pháp đột phá. "ChatGPT là một công nghệ như vậy và là một cơ hội lớn cho các bạn trẻ vươn lên phát triển hơn thế hệ cha anh mình", ông chia sẻ.
Trước đó, FUNiX đã tổ chức cuộc thi "Ứng dụng ChatGPT trong học tập" thu hút hàng trăm lượt quan tâm, dự thi của học sinh, sinh viên trên cả nước. Đơn vị đào tạo trực tuyến này cũng trang bị phiên bản cao cấp của ChatGPT cho toàn bộ học viên khi ứng dụng này mới ra mắt, giúp trả lời hơn 50 nghìn câu hỏi của học viên về lập trình, kỹ thuật code, kiến thức công nghệ và cách tự học hiệu quả. Hiện, FUNiX tiếp tục cải thiện, nâng cấp để ChatGPT trở thành trợ lý học tập năng suất hơn.
Quỳnh Anh
Fanpage cuộc thi: www.facebook.com/funixchatgpthackathon