Thông tin được công bố tại Hội nghị triển khai kế hoạch sử dụng công nghệ để thu hẹp khoảng cách chất lượng dạy và học ngoại ngữ giữa các vùng nội - ngoại thành và phát động phong trào Tháng tự học ngoại ngữ do Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tổ chức.
Tháng tự học gồm các hoạt động: học sinh dành ít nhất 30 phút mỗi ngày để tự học ngoại ngữ; thầy cô hỗ trợ xây dựng tài liệu tự học và tổ chức câu lạc bộ ngoại ngữ; trung tâm ngoại ngữ hỗ trợ tổ chức lớp học, hội thảo hoặc tài liệu miễn phí cho học sinh ngoại thành... Qua đây, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội muốn hành động vì một Thủ đô "học tập không khoảng cách", mang đến cơ hội học tập bình đẳng, khẳng định vai trò trung tâm giáo dục của cả nước, tiên phong trong đổi mới và hội nhập quốc tế.
Ông Zach Pinson - Tổng giám đốc FSEL chia sẻ, dù có giáo viên giỏi, trường học tốt, học sinh vẫn phải tự học và chịu trách nhiệm quá trình tiếp thu kiến thức của bản thân. Vì vậy, sự hỗ trợ của đơn vị sẽ giúp các em học ngoại ngữ chất lượng cao ở bất cứ đâu qua các thiết bị phổ biến như máy tính hay điện thoại thông minh.
Bên cạnh đó, hội nghị cung cấp định hướng, thông tin, giải pháp ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số trong giáo dục, đặc biệt là giảng dạy, học tập ngoại ngữ, cho đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên trong toàn thành phố. Mục tiêu là thu hẹp khoảng cách chất lượng dạy và học giữa các vùng nội thành và ngoại thành Hà Nội, đồng thời, khuyến khích phong trào tự học, nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng các yêu cầu của cách mạng công nghiệp 4.0, hội nhập quốc tế.
Phát biểu khai mạc sự kiện, ông Trần Thế Cương - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết, ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh, vừa là công cụ giao tiếp, vừa là chìa khóa để hội nhập quốc tế, mở ra cánh cửa tri thức và cơ hội phát triển cho học sinh.
Tuy nhiên, chất lượng dạy và học ngoại ngữ giữa các khu vực nội thành và ngoại thành hiện nay vẫn tồn tại nhiều khoảng cách. Vì vậy, Kế hoạch thu hẹp khoảng cách là một nhiệm vụ trước mắt, cũng là trách nhiệm lâu dài của toàn ngành giáo dục Hà Nội.
"Trong hành trình đó, công nghệ và trí tuệ nhân tạo (AI) đóng vai trò quan trọng, mang tính đột phá", ông nhấn mạnh.
Tại sự kiện, đại biểu và khách mời có cơ hội lắng nghe tham luận của các chuyên gia giáo dục trong và ngoài nước cùng đại diện các doanh nghiệp giáo dục về giải pháp sáng tạo trong việc ứng dụng công nghệ vào mục tiêu này.
Tham gia hội nghị, ông Brandon Sinkovic - Giám đốc học thuật FSEL chia sẻ về "Chuyển đổi số trung tâm ngoại ngữ nhằm thu hẹp khoảng cách đào tạo tiếng Anh giữa các vùng nội và ngoại thành Hà Nội". Theo ông, chuyển đổi số đối với trung tâm ngoại ngữ mang lại những lợi ích trong việc thu hẹp khoảng cách đào tạo ngoại ngữ giữa các vùng nội và ngoại thành Hà Nội. Việc này biến các đơn vị truyền thống trở nên "nhỏ gọn", tiện lợi, có thể truy cập mọi lúc, mọi nơi.
"Học sinh của Hà Nội dù ở đâu cũng có thể học ngoại ngữ chất lượng cao với chi phí chỉ khoảng 10.000 đồng mỗi ngày trên nền tảng học ngoại ngữ trực tuyến FSEL", ông khẳng định.
Các nội dung này góp phần giúp người nắm bắt xu thế phát triển công nghệ trong giáo dục, đồng thời, gợi mở các giải pháp đổi mới trong đào tạo ngoại ngữ, hướng tới mục tiêu chung.
Thiên Minh