Bàn thắng vào lưới của Joe Hart cuối tuần qua là lần lập công thứ 306 của Totti cho Roma trong các trận đấu chính thức. Chỉ riêng ở Serie A, Totti đã chạm cột mốc 250 bàn. Trong danh sách những chân sút vĩ đại nhất qua mọi thời đại của giải đấu này, Totti chỉ còn kém Silvio Piola, người từng ghi 274 bàn trong các màu áo của Pro Vercelli, Lazio, Juventus và Novara.
Vậy mà có lúc, người ta tưởng như Totti sẽ phải đi đến cái kết với AS Roma theo một cách rất buồn. Đấy là khi Luciano Spalletti trở lại giữa mùa giải trước và xây dựng một Roma không có Totti. Suốt chục trận đấu đầu tiên dưới thời HLV người Florence này, Totti chỉ đá được... vài chục phút. Anh phải ngồi dự bị suốt trận derby Roma và có khi còn bị bắn lên thẳng khán đài dù không chấn thương hay bị treo giò.
Thời gian ấy, Spalletti đã phải lặp lại điều mà Fabio Capello từng nói: "Ở Roma, bạn phải phân biệt rõ ràng liệu mình là CĐV của Roma hay Totti. Bởi với rất nhiều người, hai điều ấy là một".
Nhưng liệu có thể là một CĐV của Roma mà không thần tượng Totti được không? Câu trả lời, như chính Spalletti sau này tự thừa nhận là không thể. Bởi vì làm sao có thể tách Totti ra khỏi đời sống bóng đá của Roma khi anh đã hiện diện nơi đây xuyên qua ba thập niên, vắt qua hai thế kỷ. Anh làm thủ quân trẻ tuổi nhất trong lịch sử Serie A, ở tuổi 22. Anh từ chối hai đề nghị chuyển nhượng hậu hĩnh với mức lương cao hơn và khả năng giành danh hiệu cũng nhiều hơn. Một từ CLB vĩ đại nhất thế kỷ 20 là Real Madrid. Một từ HLV lững lẫy nhất thế giới bấy giờ: Sir Alex Ferguson.
Vấn đề là dù Spalletti có mạnh dạn làm giảm ảnh hưởng của Totti, anh vẫn có cách giành lại. Bởi vì khi cái tôi của một người đàn ông hạ xuống, cái vĩ đại của một chiến binh trở lại. Và khi thấy Totti vẫn còn khả năng đóng góp, những ông chủ Mỹ lại ký tiếp với anh một năm. Totti đền đáp niềm tin ấy khi khởi đầu mùa giải này với thành tích của một chân sút hàng đầu, chứ không phải một kẻ chờ để lãnh lương hưu.
Luôn thay đổi để thích nghi với hoàn cảnh, không ngừng làm mới mình là một đặc sản của Totti. Nhưng có một thứ mà anh không thay đổi hay làm mới bao giờ, đó là chiếc áo mà anh mặc trên người, là dòng máu Roman chảy trong huyết quản.
Câu chuyện ấy khởi đầu vào năm 1989 khi mẹ của Totti từ chối một đề nghị hậu hĩnh để cậu con trai chuyển sang khoác áo AC Milan. Không biết bộ đôi Silvio Berlusconi - Adriano Galliani có bao giờ tự hỏi cuộc cách mạng về lối chơi mà Arrigo Sacchi áp dụng cho Milan trong thập niên 1990 sẽ còn rực rỡ đến đâu nếu có được một cầu thủ thượng thặng như Totti. Chỉ biết cái mất của Milan chính là cái được của AS Roma vậy.
Totti là cầu thủ tấn công vĩ đại nhất của Italy từ sau Roberto Baggio. Từ khi Baggio giải nghệ, Totti là người cuối cùng của bóng đá Italy, thậm chí là của cả thế giới vẫn còn đá được ở vị trí số 10, vị trí đòi hỏi tầm quan sát, kỹ thuật cá nhân điêu luyện để có thể vừa ghi bàn, vừa kiến tạo.
Số 10 trong bóng đá là một biểu tượng của cái đẹp đã mất. Có ai quên được pha ghi bàn thứ 113 của Totti ở Serie A mùa 2005-2006, khi cú bấm bóng từ ngoài vòng cấm của anh hạ gục hoàn toàn Francesco Toldo (xem video). Bây giờ thỉnh thoảng người ta lại nói về cú sút phạt đền kiểu Panenka. Thế nhưng người khai quật lại kỹ thuật sút phạt độc đáo ấy, đến mức được báo chí Italy đặt cho cái tên là "cucchiaio" (xúc thìa) chính là Totti. Anh thực hiện cú sút ấy ở Euro 2000, khi trước mặt là Edwin van der Sar lừng lẫy (xem video). Trước đó, Totti từng bấm bóng ghi bàn trên chấm 11 mét vào lưới Parma, khi trong khung gỗ là Gianluigi Buffon (xem video).
Totti làm sống lại một kỹ thuật cũ, đồng thời tạo ra một khái niệm mới trong bóng đá. Khi HLV Spalletti, trong giai đoạn đầu dẫn dắt Roma từ 2005 đến 2009, nghĩ ra sơ đồ 4-6-0, ông tìm thấy một "tiền đạo ảo" lý tưởng nơi Totti. Đấy chính là khởi phát cho cuộc cách mạng đá không tiền đạo mà sau này Pep Guardiola đã áp dựng ở Barcelona và Vicente del Bosque dùng để đưa Tây Ban Nha đến chức vô địch Euro 2012.
Spalletti từng nói về người thủ quân của ông trong những năm tháng ấy: "Đưa bóng cho Totti giống như trao tiền vào nhà băng vậy, yên tâm vô cùng". Ở đây, Spalletti ca ngợi khả năng xử lý bóng vô cùng chuẩn mực của Totti, chứ không phải anh là một người ham rê dắt hay thích ghi bàn.
Khi được hỏi về việc Totti muốn phá kỷ lục ghi bàn của Silvio Piola thì một HLV cũ khác của anh là Zdeněk Zeman nói: "Tôi không nghĩ anh ấy bị ám ảnh bởi Silvio Piola. Totti sẽ thi đấu đến khi nào cơ thể không còn cho phép nữa thì thôi. Với tôi, Totti chính là Calcio, là bóng đá. Một ngày nào đó, một nhóm các CĐV Roma lớn tuổi sẽ ngồi lại và nói: Ngày ấy, tôi đã có dịp xem Totti thi đấu suốt hai thập niên. Nếu còn sống, tôi sẽ chen vào và nói: Mấy đứa trật tự hết đi, vì ta đã từng huấn luyện Totti những hai lần".
Cái hay của Totti là anh nhận được sự khâm phục của chính những đối thủ. Khi tờ La Gazzetta dello Sport tiến hành tổng hợp để chia điểm bình quân cho các cầu thủ trong suốt 20 năm Serie A gần nhất, chính họ giật mình phát hiện ra cầu thủ có điểm trung bình cao nhất chính là Totti, mà Gazzetta lại là một tờ báo có trụ sở ở Milan. "Cái ngày Totti giải nghệ, tôi sẽ gửi cho anh ấy một chai champagne," Paolo, một CĐV 20 tuổi của Lazio nói với tờ Four Four Two. "Ghét thì có ghét, nhưng ngưỡng mộ thì vẫn phải ngưỡng mộ. Bất kỳ CLB nào mà lại không muốn có một tượng đài như thế".
Totti ở Serie A
Số trận: 604 |
Cả cuộc đời, Totti chỉ có duy nhất một thú vui là bóng đá. "Hoàng tử bé" là cuốn sách duy nhất mà Totti từng đọc, vì như anh từng tâm sự: chạy cả ngày thì không sao, chứ cứ đọc vài trang sách là phát mệt và buồn ngủ.
Totti không đọc sách, nhưng anh lại... viết sách. Đấy là một cuốn sách lạ kỳ. Totti đi khắp nơi, nghe đủ thứ câu chuyện cười về mình và... ghi chép lại. Và cuốn sách "Tất cả những truyện cười về Totti, được sưu tầm bởi Totti" đã bán hết veo chỉ một tháng sau khi ra lò, một sớm một chiều trở thành hiện tượng xuất bản ở Italy. Toàn bộ lợi nhuận từ việc bán sách, Totti quyên cho quỹ nhi đồng Liên hiệp quốc UNICEF mà anh đang làm đại sứ.
Totti là biểu tượng, là niềm tự hào của cư dân thủ đô, những người vẫn bị các đồng hương của mình chê bai là nhà quê, ngữ âm khó nghe, hư hỏng, lười biếng và... mập. Totti nói: "Tôi sẽ trả tiền để có thể làm một người Roman. Tôi sống là một người Roman, chết sẽ là ma của Roman. Tôi sẽ không bao giờ rời xa đội bóng của mình và thành phố của mình. Trong mấy chục năm, tôi cứ nghe người ta bảo sớm muộn gì Totti cũng sẽ phải rời Roma thôi. Và tôi đang sống, đang tiếp tục thi đấu để không bao giờ cho họ toại nguyện".
Và Totti đã làm đúng như những gì mình nói. Từ sau khi bước qua ngưỡng 30, cứ mỗi lần thương thảo hợp đồng mới thì thu nhập của Totti lại giảm đi. Mùa giải trước, khi chưa ký thêm một năm, lương của Totti thậm chí không có trong Top 10.
Viết về Totti thì nhiều, nhưng câu kết của cây viết Andrea Tallarita trong bài "Dũng sĩ giác đấu cuối cùng" đăng tải một trang chuyên về bóng đá Italy dưới đây có thể xem như một lời chúc mừng sinh nhật 40 tuổi của Totti: "Trong một thời đại sống ảo mà diễn viên hài tràn ngập trên sóng truyền hình để làm những người truyền cảm hứng, ca sĩ đi đóng phim, tỷ phú đi ứng cử Tổng thống, Totti có một lỗi lầm rất lớn là bất biến. Anh vẫn là chính mình, vẫn là đứa trẻ trong sáng lớn lên từ thủ đô với bản giao hưởng số 9 (bản giao hưởng mang tên Niềm vui, cũng là bản cuối cùng của nhà soạn nhạc thiên tài Ludwig van Beethoven - PV) cứ như thể vang lên trong mỗi bước chạy. Và có lẽ đấy là lý do người ta không thể không yêu quý anh, kể cả là lúc này, khi con sói cô đơn đã bước vào nỗi buồn tàn thu".
Xem thêm:
> Bàn đầu tiên của Totti trong màu áo Roma
> 10 bàn thắng đẹp của Totti
> 10 đường chuyền đẳng cấp của Totti
Hoài Thương