Ngân hàng chi lớn cho cuộc đua trí tuệ nhân tạo

Nhà băng chi triệu thậm chí tỷ USD ứng dụng công nghệ AI vào hoạt động nhằm gia tăng trải nghiệm khách hàng, tối ưu hoá vận hành và tạo lợi thế cạnh tranh.

Tuần trước, VietCapital Bank ký kết thỏa thuận hợp tác sử dụng giải pháp trueID xác thực thông tin khách hàng tự động cho hệ thống ngân hàng. Đây là giải pháp xác thực định danh người dùng tự động (eKYC) qua ứng dụng di động, xây dựng trên nền tảng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI - Artificial Intelligence), nhận diện gương mặt và nhận diện ký tự quang học. Các tính năng chính của trueID là nhận dạng dấu hiệu giả mạo giấy tờ tuỳ thân, rút trích thông tin - (OCR), nhận diện khuôn mặt, và nhận biết người thực trong hình selfie.

Ông Lê Văn Bé Mười, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Bản Việt cho biết việc đầu tư giải pháp trueID sẽ rút ngắn quá trình cung cấp sản phẩm, dịch vụ đến khách hàng (mở tài khoản thanh toán trực tuyến, dịch vụ thẻ, ngân hàng điện tử) an toàn và tiện lợi.

Khách hàng giao tiếp với robot OPBA của Nam A Bankl.

Khách hàng giao tiếp với robot OPBA của Nam A Bank. Ảnh: Lệ Chi

Cuối năm 2019, Nam A Bank ra mắt không gian giao dịch số, đưa robot OPBA vào sử dụng, trở thành nhà băng đầu tiên tại Việt Nam có robot phục vụ. Theo đại diện Nam A Bank, robot OPBA ứng dụng trí thông minh nhân tạo AI được lập trình tự động hóa các cử động, di chuyển, chào hỏi ngay khi khách bước vào. Đồng thời, nó có khả năng nhận diện khuôn mặt (Face Detection) để nhận biết chính xác khách hàng. Thiết bị sử dụng chức năng thu thập thông tin của khách để lưu trữ, phân tích hiểu nhu cầu, tư vấn, hướng dẫn, tăng tương tác với người dùng.

Với robot OPBA, nhà băng này  kỳ vọng tạo bước đột phá mới về số hóa, giúp khách hàng có trải nghiệm mới về công nghệ số, tiết kiệm thời gian khi đến giao dịch. Ngoài robot, Nam A Bank đã ứng dụng trợ lý ảo thông minh chatbot, tích hợp trên fanpage, website hay ứng dụng di động với tốc độ phản hồi thắc mắc, tư vấn nhanh, giúp gia tăng kết nối và sự hài lòng của khách với ngân hàng. 

"Đây là đòn bẩy để chúng tôi chuyển đổi mô hình từ truyền thống sang đa không gian trên hợp kênh ứng dụng, tăng tính cạnh tranh, phát triển bền vững, góp phần tạo ra làn sóng công nghệ mới", ông Trần Khải Hoàn - Phó tổng giám đốc thường trực Nam A Bank cho biết.

Thực tế, tại Việt Nam làn sóng đầu tư công nghệ trong giao dịch ngân hàng số diễn ra từ trước đó nhiều năm. TPBank là một trong những đơn vị đầu tiên tại Việt Nam ứng dụng AI khi ra mắt trợ lý ảo T’Aio trên Facebook hồi tháng 7/2017. T'Aio có thể tương tác với hơn 1,5 triệu khách hàng của TPBank cùng một thời điểm trên Facebook Messenger.

Tốc độ phản hồi của T'Aio khi nhận được đề nghị giao tiếp thông tin từ khách hàng chưa tới 5 giây, hoạt động 24/7 và liên tục học hỏi, hoàn thiện qua những lần hỗ trợ khách hàng để dần trở nên thông minh hơn nhờ ứng dụng trí thông minh nhân tạo.

Cuối năm ngoái, nhà băng này đầu tư một triệu USD cho phiên bản ngân hàng số nâng cấp so với Internet banking trước đó. Phiên bản mới của TPBank được tích hợp nhiều công nghệ như học máy (Machine Learning), trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ tích hợp hệ thống linh hoạt (ESB) với nền tảng mềm dẻo, linh hoạt giống những mảnh ghép lego, sẵn sàng cho mọi kết nối để mở rộng hệ sinh thái số của TPBank.

Một khách hàng của nhà băng sử dụng trợ lý ảo.

Một khách hàng của nhà băng sử dụng trợ lý ảo.

Một số nhà băng khác tại Việt Nam đẩy mạnh ứng dụng AI trong các dịch vụ để tăng cường trải nghiệm cho khách hàng như Vietcombank có ứng dụng chuyển tiền tích hợp công nghệ AI- VCBPAY cung cấp cho khách hàng nhiều tiện ích thanh toán, chuyển tiền trực tuyến với sự trợ giúp của tính năng Chatbot - Trợ lý ảo. MSB là ngân hàng đầu tiên ứng dụng AI trong hoạt động mở thẻ tín dụng...

Không chỉ ứng dụng cho hoạt động tổng đài, chăm sóc khách hàng, AI còn có thể được sử dụng trong mô hình vận hành của mỗi nhà băng hoặc tích hợp trong các dịch vụ để tăng trải nghiệm người dùng. Các xu hướng chính có thể kể đến như: cá nhân hóa trải nghiệm khách hàng, tăng cường bảo mật, nhận diện mẫu và phát hiện gian lận...

Giới chuyên gia đánh giá, với sự phát triển của công nghệ, các nhà băng có thể tận dụng công nghệ để tạo ra những sản phẩm, dịch vụ mới, sát với nhu cầu thực tế của khách hàng. Mở rộng hơn, AI còn có khả năng phân tích dữ liệu của các giao dịch trong quá khứ và hiện tại, hành vi điển hình của khách hàng để phát hiện ra những vấn đề bất thường, tránh gian lận; quản lý dòng tiền; tư vấn đầu tư...

Nền tảng công nghệ hiện đại, sản phẩm dịch vụ tiên tiến góp phần giúp các ngân hàng tốc độ tăng trưởng cao, an toàn, quản trị rủi ro chuẩn quốc tế. "Xu hướng trong ngành lĩnh vực tài chính Việt Nam cho thấy, công nghệ này đang được đẩy mạnh ứng dụng trong nhiều hoạt động để số hóa ngân hàng, giúp nâng cao hiệu suất, mang đến trải nghiệm tiện ích cho người dùng. Song song với đó là giảm chi phí", một chuyên gia nói.

Không chỉ tại Việt Nam, ứng dụng AI vào hoạt động vận hành và thu hút khách hàng là xu hướng chung của ngành tài chính ngân hàng trên toàn cầu. Năm 2016 JPMorgan đầu tư hơn 9,5 tỷ USD, Bank of America dành khoản đầu tư hơn 3 tỷ USD vào nghiên cứu công nghệ mới, trong đó phần lớn dành cho các công nghệ mang tính đột phá AI.

Định danh khách hàng điện tử với giải pháp FPT.AI eKYC giúp nhận dạng khách hàng đến giao dịch chỉ trong vài giây.

Định danh khách hàng điện tử với giải pháp FPT.AI eKYC giúp nhận dạng khách hàng đến giao dịch chỉ trong vài giây.

Báo cáo kết quả khảo sát của Cornerstone cho biết, trong năm 2019, có khoảng 13% tổ chức tài chính được hỏi đã và đang triển khai các ứng dụng chatbot, 11% đang xây dựng các ứng dụng AI, phần lớn đều thể hiện sự quan tâm lớn đến các công nghệ mới ứng dụng AI vào sản phẩm dịch vụ của mình.

Chatbot được xem là hình thức ứng dụng AI thông dụng nhất được áp dụng trong hệ thống ngân hàng. Công cụ này có thể giúp các nhà băng trả lời, giải đáp thắc mắc của khách hàng với độ chính xác và tốc độ nhanh. Chatbot trang bị công nghệ AI có thể tự học để trở nên thông minh hơn, từ đó nâng cao chất lượng giao tiếp và chăm sóc khách hàng theo thời gian. Ngoài ra, với khả năng vận hành tự động 24/7, nhà băng có thể tương tác thường xuyên với người dùng, đồng thời giảm tải cho hoạt động của các tư vấn viên và tối ưu hóa chi phí vận hành.

Theo một nghiên cứu của Business Insider, các ngân hàng trên toàn cầu có thể tiết kiệm 447 tỷ USD nếu ứng dụng AI vào các hoạt động giao dịch và có thể tiết kiệm thêm 420 tỷ nữa nếu sử dụng công nghệ này trong khối văn phòng khối kinh doanh. Cùng với công nghệ tự động hóa quy trình bằng robot (RPA), AI sẽ là xu hướng công nghệ mới của ngành tài chính - ngân hàng.

Thảo Miên

Vào 14h ngày 2/7, FPT tổ chức Hội thảo bứt phá trong trải nghiệm khách hàng với công nghệ AI & RPA cho ngành tài chính, bảo hiểm, ngân hàng. Tại sự kiện, khách mời sẽ được cập nhật xu hướng mới nhất về việc ứng dụng AI & RPA và những chuẩn mực mới trong hoạt động vận hành, nâng cao trải  nghiệm khách hàng của các công ty tài chính, bảo hiểm, ngân hàng. Các sản phẩm giải pháp AI và RPA do FPT phát triển sẽ giúp doanh nghiệp giảm tới 60% chi phí, tiết kiệm 90% thời gian cho các hoạt động vận hành doanh nghiệp. Đăng ký tham dự sự kiện tại đây.

 
Chia sẻ bài viết qua email