FPT thành lập viện nghiên cứu AI
Đại diện FPT từng khẳng định, doanh nghiệp này coi AI là nền tảng lõi trong cuộc cách mạng số, đặt mục tiêu phát triển, triển khai công nghệ này đến với từng doanh nghiệp.
Tháng 6 vừa qua, FPT và Viện nghiên cứu Trí tuệ nhân tạo (AI) Mila ký thoả thuận hợp tác bước đầu trong 3 năm (2020-2023) theo bốn hạng mục lớn, gồm: Nghiên cứu và phát triển nâng cao năng lực công nghệ AI của FPT; Tư vấn chiến lược để xây dựng Trung tâm Nghiên cứu FPT.AI tại Quy Nhơn (Bình Định); Đào tạo và trao đổi nguồn nhân lực chất lượng về AI.
Ký kết hợp tác với viện nghiên cứu AI top đầu thế giới nằm trong chiến lược đẩy mạnh ứng dụng AI trong doanh nghiệp và quốc gia nói chung của FPT. Với mục tiêu xây dựng Trung tâm Nghiên cứu AI của Việt Nam tại Bình Định, đại diện FPT kỳ vọng sẽ đạt được những thành tựu nổi bật trong việc ứng dụng AI vào các lĩnh vực như y tế, nông nghiệp, ngôn ngữ và nhà máy sản xuất...
Các giải pháp AI triển khai trong doanh nghiệp cũng là mảng được FPT đẩy mạnh. Nền tảng trí tuệ nhân tạo toàn diện FPT.AI, cung cấp các sản phẩm và dịch vụ dựa trên công nghệ Trí tuệ Nhân tạo như Chatbot, Trợ lý ảo tổng đài, Trích xuất thông tin từ hình ảnh...
Theo đại diện FPT, bộ giải pháp này có thể giúp doanh nghiệp giảm tới 60% chi phí, gia tăng năng suất lao động, tối ưu hóa quy trình kinh doanh. Hiện tại, khoảng 70 doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực, như viễn thông, thương mại điện tử, tài chính - ngân hàng, hành chính công sử dụng các giải pháp về AI của FPT.
Viettel tạo hệ sinh thái AI
"Tại Viettel, trí tuệ nhân tạo được nghiên cứu ứng dụng trải dài ở hầu hết các hệ sinh thái khác nhau như y tế, giáo dục, giao thông, nông lâm nghiệp, ngân hàng số, thành phố thông minh cũng như thương mại điện tử", Tiến sĩ Nguyễn Quang Vinh, Giám đốc Trung tâm Công nghệ Lõi, Tổng công ty Giải pháp Doanh nghiệp Viettel từng chia sẻ.
Trong đó, chăm sóc sức khỏe, quản lý rừng, an ninh mạng là những lĩnh vực được Viettel ưu tiên đầu tư ứng dụng AI vài năm trở lại đây. Đơn cử, giải pháp chống tấn công từ chối dịch vụ DDoS Viettel là dự án ứng dụng AI phục vụ cho bảo mật. Giải pháp an ninh mạng này có thể giám sát 24/7 các doanh nghiệp và tổ chức, phát hiện 100% các cuộc tấn công, với tổng thời gian xử lý thấp, chi phí tiêu tốn chỉ bằng 0.1% so với hợp tác với các chuyên gia bảo mật.
Tập đoàn này còn phát triển Hệ thống ứng dụng AI trong quản lý lâm nghiệp. Công nghệ AI có vai trò thống kê tình trạng và diện tích rừng ở mọi khu vực, tự động xác định điểm mất rừng đột ngột và ước tính diện tích biến mất. Qua thử nghiệm, độ chính xác trên 80%.
Vingroup tham dự Hội nghị máy học quốc tế
Giữa tháng 7, Viện Nghiên cứu Trí tuệ nhân tạo VinAI Research (thuộc tập đoàn Vingroup) góp mặt tại Hội nghị Quốc tế về máy học (ICML) 2020 với 3 công trình nghiên cứu. Đây là lần đầu tiên một đơn vị từ Việt Nam xuất hiện trong danh sách Top 30 doanh nghiệp có nhiều công trình được công bố nhất tại Hội nghị quốc tế về máy học.
Cả 3 công trình tập trung vào các vấn đề quan trọng trong nghiên cứu AI hiện tại là: Phát triển phương pháp tính toán tối ưu để so sánh các phân bố từ dữ liệu lớn; Học sâu các biểu diễn quan trọng từ dữ liệu ảnh, video cho bài toán điều khiển tối ưu và Đề xuất phương pháp suy diễn hiệu quả cho các hệ thống động nơron phi tuyến tính phức tạp.
Viện VinAI được thành lập năm 2019, nằm trong định hướng trở thành Tập đoàn Công nghệ - Công nghiệp - Dịch vụ đẳng cấp quốc tế của Vingroup. Trước đó, Vingroup cũng đã thành lập: Công ty Phát triển Công nghệ VinTech, Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn, Quỹ đổi mới sáng tạo Vingroup...
Tháng 5, VinAI cũng là một trong những đơn vị đầu tiên trên thế giới công bố nghiên cứu thành công công nghệ nhận diện dùng khẩu trang.
Bên cạnh hoạt động nghiên cứu chuyên sâu, đội ngũ kỹ sư tại VinAI Research đang nỗ lực phát triển các sản phẩm ứng dụng và công nghệ lõi AI với chất lượng cạnh tranh cao.
Phong Vân