Tuần trước, chủ sở hữu của Zara cho biết sẽ đầu tư khoảng 3 tỷ USD trong 3 năm để phát triển mô hình online và cửa hàng tích hợp. Trong đó, riêng 1,1 tỷ USD cho vận hành số. Tập đoàn Tây Ban Nha cũng dự định đóng cửa khoảng 1.200 cửa hàng trong năm nay và năm sau, để mở 450 cửa hàng chất lượng cao, rộng rãi hơn ở các khu vực cao cấp.
"Các cửa hàng mới sẽ đóng vai trò quan trọng hơn trong việc phát triển bán hàng trực tuyến, bởi số hóa và khả năng tiếp cận khách hàng từ bất cứ địa điểm nào trên thế giới", Inditex nói. Doanh nghiệp cũng cho biết khách hàng sẽ được thụ hưởng nhiều lợi ích từ các cửa hàng mới.
Trong một bài thuyết trình trên website nội bộ, Inditex liệt kê Barcelona, Edinburgh, Riyadh, Bắc Kinh và Bogotá là những địa điểm thích hợp cho một số "cửa hàng rất nổi bật, khác biệt".
Covid-19 đã thúc đẩy xu hướng mua sắm trực tuyến, tác động mạnh đến ngành công nghiệp bán lẻ và làm suy yếu nhiều chuỗi lớn. Inditex cho biết doanh thu bán hàng online tháng 4 đã tăng 95% so với cùng kỳ năm 2019.
Các nhà bán lẻ và đại gia hàng tiêu dùng đều đang phải chạy đua để thích nghi với những thay đổi lâu dài trong cách mọi người mua sắm. Theo một báo cáo được công bố vào tuần trước bởi Coresight Research, có tới 25.000 cửa hàng bán lẻ trực tiếp tại Mỹ dự kiến sẽ đóng cửa vĩnh viễn trong năm nay.
Inditex kỳ vọng doanh số bán hàng trực tuyến sẽ đạt hơn 25% tổng doanh số bán hàng vào năm 2022, tăng từ 14% so với năm 2019. Công ty cho biết họ sẽ đầu tư vào nền tảng công nghệ hiện tại để phát triển phần mềm một cách linh hoạt và thu thập dữ liệu đầy đủ hơn.
Sophie Lund-Yates, một nhà phân tích tại Công ty dịch vụ tài chính Hargreaves Lansdown, cho biết việc tích hợp giữa các cửa hàng truyền thống và trực tuyến sẽ cải thiện chuỗi cung ứng vốn đã chặt chẽ của Inditex. Điều này cũng giúp họ phản ứng nhanh chóng hơn những thay đổi không ngừng của ngành thời trang.
Tính đến tháng 4 năm nay, Inditex đã lỗ 464,8 triệu USD, lợi nhuận giảm 834,2 triệu USD so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh số giảm 44% xuống còn 3,8 tỷ USD. Từ ngày 2-8/6, doanh số giảm tương đương 34%.
Đại dịch đã ảnh hưởng nặng đến các nhà bán lẻ quần áo nói riêng, khiến các cửa hàng đóng cửa trong vài tuần.Tại Mỹ, các hãng như JCPenney, Neiman Marcus và J.Crew đã nộp đơn xin phá sản, trong khi Gap Inc. (GPS) vừa công khai khoản lỗ kỷ lục 932 triệu USD trong quý I.
Hoài Phong (Theo CNN)
Để giúp doanh nghiệp vượt đại dịch, FPT tung ra chuỗi sản phẩm gồm các giải pháp tối ưu vận hành được lựa chọn từ hệ sinh thái các sản phẩm chuyển đổi số ưu việt giúp doanh nghiệp gia tăng năng suất, tiết kiệm chi phí, tận dụng tối đa nguồn lực để vượt qua khủng hoảng và bứt phá trong bối cảnh bình thường mới.
Đăng ký tại đây để được tư vấn trực tuyến về FPT.AI cũng như bộ sản phẩm giải pháp chuyển đổi số của FPT