Chuyển đổi kỹ thuật số đã và đang ảnh hưởng mạnh đến nền kinh tế cũng như doanh nghiệp phạm vi trên toàn thế giới. Nhất là khi đại dịch vừa diễn ra, công nghệ và việc chuyển đổi số là xu hướng không thể bỏ qua để giúp công ty vượt sóng, bước vào thời kỳ "bình thường mới".
Dưới đây là 5 xu hướng chuyển đổi được nhiều chuyên gia dự đoán sẽ tăng trưởng mạnh trong năm từ nay đến 2021.
Kết nối và cá nhân hóa trải nghiệm khách hàng
Tuy là một khía cạnh tổng quát về xu hướng này, nghe có vẻ đơn giản nhưng việc kết nối và cá nhân hóa trải nghiệm của khách hàng là trung tâm của việc chuyển đổi số. Một hành trình mua sắm đa kênh nhanh chóng, mọi lúc mọi nơi là điều mà nhiều khách hàng mong đợi từ nhà cung cấp dịch vụ.
Theo nghiên cứu của MuleSoft, 69% người tiêu dùng đồng ý nếu dịch vụ khách hàng bị ngắt kết nối, họ sẽ chuyển qua nhà cung cấp dịch vụ khác. Điều này cũng tạo nên thách thức lớn cho người lãnh đạo lẫn doanh nghiệp khi phải đối mặt với sự phức tạp và đa dạng ngày càng tăng của các kênh kỹ thuật số.
Phân tích dữ liệu (data)
Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực chuyển đối số đánh giá, nếu công ty vẫn chưa sẵn sàng để tham gia vào thị trường phân tích dữ liệu và đầu tư vào lĩnh vực này trong năm 2020 sẽ có thể ngừng hoạt động vào 2021. Vì giá trị nhận ra khi thu thập dữ liệu khách hàng có thể gấp nhiều lần so với cách thức vận hành truyền thống.
Tuy nhiên, việc phân tích, kiểm soát và xử lý khối lượng dữ liệu lớn đang ngày càng gia tăng không phải là nhiệm vụ dễ dàng. Thu thập dữ liệu di động, cảm biến, giọng nói... sẽ gặp khó khăn nếu không có công cụ hiểu rõ, giải thích kết quả thu thập. Việc quản lý và lưu trữ dữ liệu để không bị đánh cắp cũng là một việc làm cấp thiết đối với các công ty.
Tối đa hóa giá trị của AI và học máy
Thời điểm hiện tại khi nên kinh tế số đang diễn ra sâu và rộng rãi đã thúc đẩy khối lượng dữ liệu tăng lên nhanh chóng. Vì vậy để hiểu ý nghĩa của chúng, các nhà lãnh đạo cần máy móc để "giải mã" những dãy số. Đây là lúc giá trị của AI và học máy ứng dụng thường xuyên để phân tích.
Tự động hóa phân đoạn này sẽ mang lại lợi ích đáng kể về tốc độ và quy mô. Theo đó, hai công nghệ này cho phép người dùng phân tích tập dữ liệu phức tạp chỉ trong thời gian ngắn hơn trước gấp 2-3 lần. Bổ sung AI và học máy vào công cụ phân tích cũng thuận tiện hơn vì giúp kết quả trở nên trực quan và đáng tin cậy hơn.
Một số nghiên cứu dự đoán, việc áp dụng AI sẽ giúp doanh nghiệp tăng trưởng đến 95% trong hai năm tới. Các trường hợp sử dụng phổ biến nhất của AI bao gồm học máy, tác nhân ảo và tự động hóa tác vụ cơ bản. Số lượng hoạt động dịch vụ khách hàng sử dụng trợ lý khách hàng ảo dự kiến chiếm 25% thị trường trong năm nay.
Tại Việt Nam, FPT là một trong những tập đoàn đầu tiên ứng dụng công nghệ này vào các giải pháp tối ưu hóa vận hành cho doanh nghiệp. Với công nghệ AI, doanh nghiệp này đã triển khai 3 bộ sản phẩm gồm FPT.AI (trợ lý tổng đài), FPT.AI Conversation (nền tảng hội thoại thông minh ứng dụng trong chatbot) và FPT.AI Vision (giải pháp trích xuất thông tin từ hình ảnh, giúp số hoá giấy tờ và định danh khách hàng trực tuyến).
Ngoài ra, tập đoàn còn tung hàng loạt giải pháp khác liên quan đến hóa đơn điện tử, chữ ký số, đám mây hỗ trợ làm việc từ xa, đào tạo 4.0, đảm bảo an ninh mạng...
Giải pháp Multi-cloud
Hiện nay, khái niệm đám mây đã không còn xa lạ với công ty công nghệ lẫn truyền thống. Phổ biến nhất là những khái niệm về Public Cloud (Đám mây công cộng), Private Cloud (Đám mây riêng), Hybrid Cloud (Đám mây lai) và Multi-Cloud (Đa đám mây).
Nếu như năm 2019, đám mây lai trở thành công cụ nổi bật được nhiều doanh nghiệp sử dụng thay vì phát triển hạ tầng công nghệ thông tin thì năm 2020-2021, các chuyên gia nhận định Multi-Cloud sẽ lên ngôi nhờ những lợi ích tích cực của nó mang lại.
Theo đó, đa đám mây cho phép người dùng sử dụng nhiều hơn một đám mây công cộng, tiếp cận và vận hành bất kỳ sự kết hợp nào giữa Private Cloud, Public Cloud và Hybrid. Việc này giúp doanh nghiệp tránh bị phụ thuộc vào một nhà cung cấp dịch vụ cloud, cho phép khách hàng kết nối với mạng theo cách hoàn toàn biệt lập và an toàn, thông qua nhiều điểm hiện diện trên khắp thế giới.
Ưu điểm rõ ràng của chiến lược đa đám mây là khả năng chọn các dịch vụ hoặc tính năng đám mây khác nhau từ nhiều nhà cung cấp và sử dụng môi trường phù hợp nhất cho từng nhiệm vụ. Nhiều doanh nghiệp chuyển sang chiến lược đa đám mây nhằm tìm kiếm cách tiếp cận, quản lý hệ sinh thái dữ liệu phân tán tốt, giảm chi phí và tăng năng suất.
Thúc đẩy hiệu quả kinh doanh với API
API (Application Programming Interface - Giao diện lập trình ứng dụng) đề cập đến một tập hợp giao thức và quy tắc cho phép hai ứng dụng kết nối với nhau. Trên thực tế, nền tảng API bao gồm rất nhiều loại, phân theo ngành nhỏ trong lĩnh vực công nghệ thông tin và theo quyền hạn truy cập.
Cụ thể, nếu xét theo phân ngành, công nghệ này có thể chia ra làm 3 loại API trên nền tảng web, trên hệ điều hành và API của thư viện phần mềm hay framework (khung phần mềm). API mở, đối tác và nội bộ là 3 phân loại theo quyền hạn. Đây được xem là nền tảng của phần mềm và phần cứng dựa trên đám mây hiện nay. Hiện giải pháp này đã ứng dụng rộng rãi tại các nhà băng.
Trong khuôn khổ của ngân hàng mở, API nội bộ cho phép bên thứ ba truy cập thông tin tài chính cần thiết để phát triển ứng dụng và dịch vụ mới. Với mục đích cho phép các cá nhân quản lý tiền và thông tin an toàn hơn, công nghệ này giúp người dùng hưởng lợi từ việc tăng cường bảo mật vì có thể đặt giới hạn về thời gian truy cập, độ dài và phạm vi. Sự ổn định kỹ thuật cũng được đảm bảo khi giao diện lập trình ứng dụng giảm thiểu vấn đề về sự không thống nhất của hệ thống giữa các nền tảng khác nhau.
Nhiều chuyên gia đánh giá, chiến lược API càng tinh vi, kết quả kinh doanh sẽ càng lớn. Gần đây, các doanh nghiệp trên toàn thế giới đã tham gia vào API để định vị mình là đối tác chiến lược thay vì chỉ là nhà cung cấp giải pháp.
Trang Anh