Công ty cổ phần FPT tham gia vào chương trình Nối vòng tay thương hỗ trợ trẻ em mồ côi do đại dịch Covid-19 do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp cùng Bộ Lao động Thương Binh và Xã hội thực hiện. Theo đó, tập đoàn công nghệ sẽ tiếp nhận 1.000 em theo học, thời hạn 20 năm tại địa điểm do tập đoàn sắp xếp, trước mắt là tại Đà Nẵng.
Đơn vị hỗ trợ toàn bộ chi phí sinh hoạt, học tập, nội trú cho các em từ 6 tuổi đến năm 18 tuổi; đào tạo trẻ trong hệ thống trường phổ thông liên cấp của FPT, tiếp tục hỗ trợ nếu những em có nguyện vọng học lên cao tại FPT. Tại đây, em nhỏ có tình yêu thương, chăm sóc, trang bị đầy đủ kỹ năng, rèn luyện, phát huy khả năng của mình.
Chia sẻ về quyết định hỗ trợ 1.000 em nhỏ không may mắn trong đại dịch, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT chia sẻ, Covid-19 gây xáo trộn đất nước, cướp đi sinh mạng của hàng ngàn người, hàng vạn doanh nghiệp đóng cửa, triệu người mất việc. Trong đó, một nỗi đau hiện hữu, hàng nghìn trẻ mất cha, mẹ. Ông cảm thấy ấm lòng khi có hàng nghìn cánh tay sẵn sàng cùng đơn vị nâng các em dậy, cùng che nắng, mưa, chăm bữa ăn, giấc ngủ, dìu dắt trẻ học hành, trở thành những người có ích cho đất nước.
"Chúng tôi phối hợp với Trung ương đoàn, Quỹ hy vọng, những người bạn lớn mong muốn mang đến điều tốt đẹp nhất cho các bé. Cụ thể như tập đoàn Thiên Long cung cấp sách vở, bút sát khuẩn cho em nhỏ học hành. Những đối tác của FPT sẽ đưa các em về quê miễn phí vào dịp Tết, nghỉ hè. Tôi hy vọng rằng, có nhiều vòng tay yêu thương nâng niu trái tim tổn thương, để em nhỏ vững vàng hy vọng một tương lai tốt đẹp", ông Bình nói.
Sau khi công bố kế hoạch xây dựng trường nội trú FPT nuôi dạy các em nhỏ mất cha, FPT lên ý tưởng xây dựng môi trường tốt. Tập đoàn mở Cổng yêu thương để tiếp nhận những đóng góp về ý tưởng, công sức, giải pháp... cho trường nội trú nuôi dạy 1.000 trẻ mất cha mẹ vì Covid-19.
Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT mong muốn tạo ra một môi trường để các em học tập, rèn luyện, biến đau thương thành sức mạnh, từ đó trưởng thành, trở thành người có ích cho xã hội. Tại đây, em nhỏ sẽ được yêu thương, học cách yêu thương, trả lại cho đời.
Tại sự kiện, ông Nguyễn Ngọc Lương, Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Chủ tịch Hội Đồng đội Trung ương cho rằng, sẽ rất lâu nỗi đau mất bố, mất mẹ mới dịu bớt. Tuy nhiên, các em sẽ không bao giờ đơn độc bởi luôn có những vòng tay yêu thương, đùm bọc đến từ anh chị cán bộ, đoàn viên, thanh niên, tổ chức, cá nhân trong cộng đồng, xã hội.
Bên cạnh FPT, chương trình công bố những hỗ trợ đầu tiên từ tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân. Cụ thể Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đỡ đầu 100 em nhỏ mồ côi với mức kinh phí một triệu đồng mỗi tháng; Hội đồng Đội Trung ương và nhãn hàng Kun - Công ty Cổ phần Sữa Quốc tế (IDP) đỡ đầu 277 em mồ côi đang học tiểu học với mức kinh phí 2 triệu mỗi tháng; Ngân hàng Sacombank đỡ đầu 100 em mồ côi...
"Nối vòng tay thương" kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân chung tay chăm lo, hỗ trợ trẻ em mồ côi do Covid-19 đến năm 18 tuổi một cách bền vững. Chương trình hướng đến 4 nhóm hỗ trợ, bao gồm: hỗ trợ tài chính, giáo dục, sức khỏe, tinh thần bằng các hoạt động cụ thể như: nhận đỡ đầu, bảo trợ trẻ em đến năm 18 tuổi; bảo trợ nuôi dưỡng, học tập đến năm 18 tuổi tại trường học FPT; chăm lo sức khỏe, y tế; hỗ trợ điều kiện học tập, sinh hoạt; cung cấp thông tin về quy trình, đầu mối hỗ trợ.
Trước đó, hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, Đoàn, Hội cùng đoàn viên, thanh niên đã tổ chức nhiều các hoạt động lan tỏa tinh thần nhân ái, sẻ chia cộng đồng, chăm lo, đồng hành cùng người dân. Đến nay, tổng giá trị các hoạt động, giúp đỡ thanh thiếu nhi, nhân dân chịu ảnh hưởng bởi Covid-19 của toàn Đoàn (tại đợt dịch bùng phát lần thứ 4) gần 370 tỷ đồng.
Theo thống kê của Cục trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (từ báo cáo số liệu của Sở Lao động, Thương binh và xã hội tại 30 tỉnh, thành phố) đến ngày 1/10, có 2.091 trẻ em, người chưa thành niên đến 17 tuổi mồ côi cha mẹ, mất cha hoặc mẹ hoặc người chăm sóc do Covid-19. Con số này chỉ là một phần của bức tranh toàn cảnh nhiều màu xám, khi đại dịch vẫn đang hoành hành trên khắp cả nước.
Các em nhỏ cần hỗ trợ về nhu cầu vật chất trước mắt, dìu dắt, chăm sóc dài lâu, có một mái trường để học tập, rèn luyện, từng bước trưởng thành, hoàn thiện bản thân. Để làm được điều này, Chính phủ, các cơ quan đoàn thể, cộng đồng phải chung tay xây dựng chương trình đồng hành bền vững.
Ngọc Thi
Ảnh: Đình Tùng