Thông tin về việc hợp tác đầu tư dự án 89 Láng Hạ vừa được Tổng giám đốc FPT Trương Đình Anh xác nhận tại đại hội cổ đông diễn ra sáng nay. Khu đất rộng 2.700 m2 nêu trên được FPT thuê trong thời hạn 50 năm với mục đích ban đầu là xây dựng một tòa nhà “mang tính biểu tượng” cho tập đoàn.
Tuy nhiên, sau khi vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính thế giới 2008 - 2009, lãnh đạo FPT cho rằng việc xây dựng một công trình như vậy (diện tích sử dụng khoảng 30.000 m2 và cần thêm khoảng 600 tỷ đồng để đầu tư), không mang lại hiểu quả kinh tế cao trong thời gian thuê đất còn lại.
![]() |
Tổng giám đốc FPT Trương Đình Anh khẳng định sẽ thu hồi được số tiền 708 tỷ đồng "đặt cọc" cho EVN Telecom. Ảnh: Nhật Minh |
FPT đã quyết định không tiếp tục đầu tư vào dự án nêu trên, thay vào đó sẽ hợp tác kinh doanh với một đơn vị khác và nhận lợi ích từ việc đầu tư. Tuy nhiên, theo ông Trương Đình Anh, các chi tiết của thương vụ này sẽ không được công bố do quy định của hợp đồng.
Tổng giám đốc FPT cũng không bình luận về thông tin giá chuyển nhượng dự án là 400 tỷ đồng (trung bình 110 triệu đồng/m2 đất), do một cổ đông tổ chức đưa ra và cho rằng “hơi thấp”. Tuy nhiên, ông Trương Đình Anh cũng lưu ý khu địa chỉ 89 Láng Hạ là đất thuê chứ không phải sở hữu của FPT nên không thể tính toán theo giá chuyển nhượng trên thị trường. Hiện FPT đã đầu tư khoảng 100 tỷ đồng vào phần móng của dự án này.
Về một khoản đầu tư khác mà FPT cũng muốn rút lại trong thời gian vừa qua tại EVN Telecom, Hội đồng quản trị của Tập đoàn này cũng đã có những giải trình khá cụ thể trước cổ đông. Theo đó, khi tiếp cận ban đầu với bản chào cổ phần hóa của EVN Telecom, lãnh đạo FPT cho rằng có sẽ có lợi nên bắt đầu tiến hành tìm hiểu, đầu tư. Tuy nhiên, sau khi cử 30 cán bộ vào tìm hiểu thực trạng doanh nghiệp trong vòng 4 tháng, FPT thấy rằng hiệu quả sẽ không được như mong đợi nên đã quyết định dừng chủ trương.
Đối với những lo ngại của cổ đông về khả năng “mất trắng” khoản tiền đặt cọc trị giá hơn 700 tỷ đồng, Hội đồng quản trị khẳng định điều này sẽ không thể xảy ra do bản hợp đồng không còn hiệu lực (do những thay đổi về chính sách của cơ quan quản lý) từ trước khi FPT quyết định không đầu tư. “Khoản tiền này chắc chắn sẽ được chúng tôi thu hồi, không sứt mẻ gì”, Tổng giám đốc FPT Trương Đình Anh khẳng định.
Về việc sáp nhập các công ty con vào Tập đoàn, một số cổ đông cho rằng tỷ lệ chuyển đổi cổ phiếu công ty con sang cổ phiếu FPT (dao động trong khoảng 0,91 - 1,22 đổi một) là quá cao, mang lại nhiều lợi ích cho cổ đông hiện hữu của các công ty con. Hội đồng quản trị của cho rằng các tỷ lệ này đã được tính toán bởi doanh nghiệp tư vấn độc lập, trên cơ sở giá thị trường.
Lãnh đạo FPT cũng cho biết, thông qua việc sáp nhập các doanh nghiệp thành viên, Tập đoàn này kỳ vọng sẽ giảm mạnh được các chi phí đầu vào, quản trị, hành chính (riêng FPT tổng giảm khoảng 30% chi phí trong năm 2011), qua đó, nâng cao hiệu quả hoạt động trong thời gian tới.
Với tỷ lệ tán thành lần lượt là 81,2%, 81,7% và 79,8%, Đại hội đồng cổ đông FPT sáng 15/4 đã thông qua phương án tái cấu trúc và sáp nhập 3 doanh nghiệp thành viên là Công ty Hệ thống Thông tin, Công ty Thương mại và Công ty Phần mềm vào công ty mẹ. Theo đó, các tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu 3 công ty nêu trên với FPT (dao động trong khoảng 0,91 - 1,22 đổi một) đã được cổ đông chấp nhận. Ngoài ra, Đai hội cũng thông qua phương án phát hành cổ phần phổ thông cho người lao động có thành tích trong năm 2010 (số lượng không quá 1,3% vốn điều lệ) và một số vấn đề khác. Năm 2010, cổ đông FPT sẽ được nhận thêm 500 đồng cổ tức cho mỗi cổ phiếu (trước đó đã nhận 1.000 đồng). Năm 2011, Hội đồng quản trị FPT dự kiến trả cổ tức tối thiểu 1.500 đồng mỗi cổ phiếu. |
Nhật Minh