Ngày 19/7, hội Pháp ngữ FPT được ra mắt tại Hà Nội, với mục tiêu thúc đẩy nguồn nhân lực nói tiếng Pháp. Đây sẽ là nơi kết nối cộng đồng Pháp ngữ gồm hơn 600 các thành viên nói tiếng Pháp trong tập đoàn FPT nói riêng và những nhân sự nói tiếng Pháp tại Việt Nam nói chung.
Tại sự kiện, ông Bùi Quang Ngọc, Phó Chủ tịch HĐQT FPT cho biết, việc tổ chức Ngày hội Pháp ngữ FPT và thành lập Hội Pháp Ngữ FPT sẽ thúc đẩy kết nối cộng đồng nói tiếng Pháp, xây dựng một mạng lưới nhân lực tiếng Pháp chất lượng cao cũng như góp phần gắn kết kinh tế và văn hóa giữa Pháp và Việt Nam.
Bà Chu Thị Thanh Hà, Chủ tịch FPT Software đánh giá, thị trường Pháp là một phần không thể thiếu trong việc mở rộng kinh doanh của FPT ở châu Âu. Với sự gia tăng nhu cầu về các giải pháp kỹ thuật số tại Pháp và các vùng lãnh thổ nói tiếng Pháp, FPT Software đặt mục tiêu tăng gấp năm lần lực lượng lao động tại chỗ và mở rộng sự hiện diện của chúng tôi đến tất cả các thành phố lớn tại đây. "Thời gian tới, FPT đặt mục tiêu trở thành Top 50 Công ty CNTT hàng đầu tại Pháp, cũng như phát triển nguồn nhân lực tiếng Pháp dồi dào nhằm đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số ngày càng lớn", bà Hà nói.
Theo lãnh đạo tập đoàn, cộng đồng nói tiếng Pháp rất đông đảo và vững mạnh tại Việt Nam là minh chứng cho sự kết nối bền chặt giữa 2 quốc gia. Điều này cũng tạo lợi thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp Việt Nam như FPT phát triển mạnh mẽ tại Pháp. FPT đã và đang nhận được hậu thuẫn rất lớn từ phía Chính phủ Pháp nhằm phát triển kinh doanh và nhân sự tại thị trường này.
Ông Olivier Brochet, Đại sứ Pháp tại Việt Nam cho biết nước Pháp đang có nhiều cơ hội phát triển nghề nghiệp, đồng thời có nhiều tín hiệu tích cực và cởi mở trong việc nắm bắt những xu hướng phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin.
Chính phủ Pháp từng đưa ra chiến lược đầu tư mang tên France 2030. Chiến lược này có ngân sách 54 tỷ EUR hướng tới việc phát triển những công nghệ mới ở các lĩnh vực như kinh tế số, năng lượng nguyên tử bền vững hay viễn thông.
Chiến lược này nằm trong một quá trình "tái công nghiệp hóa" của nước Pháp, với mục tiêu thúc đẩy tính đổi mới của nền công nghiệp Pháp trong tương lai.
Theo báo cáo của Pôle Emploi (Cơ quan Việc làm quốc gia Pháp), năm 2023, Pháp đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân lực trầm trọng trong ngành IT với hơn 80.000 vị trí khuyết thiếu nhân sự. Ngành công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) có tỷ lệ việc làm tăng trưởng cao nhất, nhưng gặp khó khăn trong việc tuyển dụng do nhân sự thiếu hụt kỹ năng.
Chính phủ Pháp cũng đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi nhằm thu hút nhân tài quốc tế, như French Tech Visa, giúp các chuyên gia công nghệ và công ty khởi nghiệp dễ dàng nhập cư và làm việc tại Pháp.
Trong một chia sẻ với giới truyền thông vào tháng 5 vừa qua, ông Laurent Saint Martin, Tổng giám đốc Cơ quan thương vụ Pháp (Business France) cho biết Việt Nam được nhìn nhận là một trong những đối tác hết sức tiềm năng cho quá trình "tái công nghiệp hóa" của quốc gia này.
Theo ông Laurent Saint-Martin, Pháp kỳ vọng lớn vào dòng đầu tư chất lượng cao của Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực như công nghệ, chuyển đổi số hay bán dẫn. Các sản phẩm, giải pháp phần mềm của Việt Nam rất hữu ích và Pháp tích cực đồng hành cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp lớn của Việt Nam đầu tư và kinh doanh tại Pháp, điển hình như FPT.
FPT có mặt tại thị trường Pháp từ năm 2008 và hiện Pháp là một trong những thị trường quan trọng của Tập đoàn tại khu vực châu Âu với các khách hàng lớn như Airbus, Geopost, Quadient, Canal+, Sagemcom, OPMobility, Valeo.... Năm 2023, FPT đã mua 80% cổ phần của AOSIS – Công ty tư vấn CNTT của Pháp. FPT tại Pháp cũng đã lọt vào Top 100 Công ty công nghệ tại Pháp.
Hội An