Chiều 8/4, Công ty cổ phần FPT tổ chức phiên họp thường niên năm 2020 qua hình thức họp trực tuyến - lần đầu tiên trong lịch sử hoạt động của tập đoàn. Các cổ đông theo dõi qua hệ thống online nhưng lượng câu hỏi gửi về ban lãnh đạo FPT thậm chí còn nhiều hơn những phiên họp theo mô hình truyền thống.
Một trong những vấn đề được quan tâm nhất phiên họp, với một doanh nghiệp nằm trong nhóm bluechip của thị trường chứng khoán, là tác động của đại dịch đến hoạt động kinh doanh.
Ông Nguyễn Văn Khoa, CEO tập đoàn gọi Covid-19 là "một cuộc chiến" của FPT. Như nhiều lĩnh vực khác, đại dịch tác động đến các mảng hoạt động của FPT từ vấn đề bán hàng, sản xuất, cho tới khả năng chi tiêu của khách hàng. Mảng viễn thông được dự báo gặp trở ngại trong việc bán hàng, khách hàng giảm chỉ tiêu, trong khi công tác tuyển sinh và giảng dạy của mảng giáo dục có thể chịu ảnh hưởng.
Từ việc xây dựng kế hoạch theo năm, rà soát mỗi 6 tháng, FPT giờ đây xây dựng các kịch bản, cập nhật liên tục tình hình theo từng quý, kiểm soát công việc trong từng tuần. "Chúng tôi đang làm việc với 200% khả năng", ông Khoa nói và ví như tập đoàn đang được đặt trong chế độ "thời chiến".
Tuy nhiên, lãnh đạo FPT cũng xác định đại dịch mang lại "nguy" (nguy hiểm) nhưng trong đó cũng tiềm ẩn "cơ" (cơ hội). Cơ hội với FPT là sự chuyển dịch trong cấu trúc hoạt động của nhiều ngành, nhờ bước chạy đà nhanh hơn của chuyển đổi số và công nghệ - những lĩnh vực được FPT đặt trọng tâm trong ba năm gần đây.
"Đại dịch có thể thúc đẩy nhanh hơn tiến trình cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Chưa bao giờ, chưa điều gì có thể tạo ra sự biến chuyển nhanh cách chúng ta sống, làm việc và giao tiếp như hiện tại", ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT nhận xét. "Thế giới của chúng ta đang thay đổi, sẽ thay đổi và không thể trở lại thế giới cũ".
Do biến động phức tạp của đại dịch, các công ty lớn trên thế giới xem xét lại những đối tác của họ, tìm ra đối tác phù hợp, có khả năng quản trị tốt và vượt qua ảnh hưởng của dịch bệnh. "FPT muốn trở thành lời giải cho vấn đề này", ông Bình nói.
Tại thị trường trong nước, cơ hội cho FPT đến từ việc cung cấp những giải pháp phù hợp với xu hướng làm việc, học tập tại nhà. Đại dịch cũng mang lại cơ hội tìm kiếm những tài năng mới cho FPT, do nhiều startup khó có thể chống chọi được khó khăn. "Những nhân lực tài năng tìm kiếm mái che mới cho công việc. Chúng tôi mong muốn FPT là lời giải cho sự tìm kiếm đó", Chủ tịch FPT cho biết.
Về kế hoạch kinh doanh, ban lãnh đạo FPT trình cổ đông mục tiêu doanh thu năm 2020 đạt 32.450 tỷ đồng, tăng 17%, với lợi nhuận trước thuế tăng 18%, đạt 5.510 tỷ đồng.
Theo ông Nguyễn Thế Phương, Phó tổng giám đốc FPT, trong bối cảnh đại dịch, khả năng tập đoàn sẽ phải điều chỉnh kế hoạch kinh doanh. Trước mắt, do diễn biến Covid-19 đang phức tạp, ban lãnh đạo FPT phải đặt ra nhiều tình huống, với các kịch bản kinh doanh khác nhau để ứng phó kịp thời. Trường hợp xấu nhất, kết quả kinh doanh quý II có thể giảm 15% so với kế hoạch ban đầu.
Về kế hoạch cổ tức, với tăng trưởng lợi nhuận gần 20% trong năm 2019, HĐQT FPT đã trình và được cổ đông thông qua phương án trả cổ tức tỷ lệ 35%, bao gồm tiền mặt tỷ lệ 20% và 15% bằng cổ phiếu. Năm 2020, ban lãnh đạo tập đoàn đề xuất kế hoạch chia cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 20%.
Minh Sơn