-
20h10
'FPT sẽ không buộc Base giống với FPT'
Ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng giám đốc FPT cho biết, FPT cũng có nhiều giấc mơ "điên rồ" nhưng không so được với mức độ "điên rồ" của Base. FPT hiện đã có 80 giải pháp, nền tảng nhưng riêng lẻ, nằm phân tán. Có nhiều nền tảng công nghệ lõi như AI, Cloud, Big Data... Ưu thế của FPT so với Base là có hơn 17.000 kỹ sư công nghệ toàn cầu với nhiều kinh nghiệm, trong đó có 2.000 người làm việc toàn cầu, nhưng độ bay bổng chưa bằng Base. Điều mà FPT cần là làm thế nào tích hợp lại trên một nền tảng để mang lại giá trị cho khách hàng, đặc biệt là khối doanh nghiệp SME, giúp họ thúc đẩy tăng trưởng, quản trị công ty.
Tiếp lời, ông Phạm Kim Hùng chia sẻ, có một thực tế không thể bàn cãi, FPT luôn là công ty công nghệ số 1 Việt Nam, hình mẫu để mọi người học tập. Nhưng Base cũng có những điểm đặc biệt riêng, để cách đây 5 năm Base làm điều mà FPT không chọn làm, làm liên tục mà không có bất cứ một hoài nghi nào cả.
Ông nói: "Có lẽ, với vị thế của FPT, lựa chọn sẽ khó khăn, còn với Base, dù việc tạo ra một ứng dụng cho doanh nghiệp là bài toán đầy thử thách, là điều mà nhiều người nghĩ rằng không đáng, chúng tôi vẫn làm".
Một may mắn khác của ông là Base có sự đồng hành của 5.000 khách hàng. Và suốt 5 năm qua, điều may mắn của ông là được lắng nghe nỗi đau của các doanh nghiệp về khó khăn khi vận hành doanh nghiệp, học hỏi từ những điều nhỏ nhất để hoàn thiện sản phẩm. Tuy Base đã giúp các doanh nghiệp thay đổi nhưng hiện nay chỉ dừng lại ở 5.000 khách hàng. Điều Base mong muốn là trong thời gian ngắn nhất có thể tiếp cận, hỗ trợ họ tốt nhất, chuyển đổi số nhanh nhất.
Chia sẻ với ông Hùng, ông Khoa đánh giá, đội ngũ của Base rất thực tiễn. Tuy nhiên, theo ông Khoa, với một đội ngũ bán hàng lớn, FPT hoàn toàn có thể giúp Base có thể "cất cánh", giúp Base đem giá trị đến cho khách hàng một cách tốt nhất. Ông Khoa tin tưởng với sự "máu lửa" của Base, cùng với nền tảng của FPT, sẽ là sức bật để Base phát triển mạnh hơn, sứ mệnh được thực hiện nhanh hơn.
Tiếp nối ý kiến của ông Khoa, ông Hùng cho rằng nếu cuộc nói chuyện này diễn ra sớm hơn trước đó, ông Hùng có thể hoài nghi. Tuy nhiên tại thời điểm hiện tại, khi hai bên làm việc với nhau, ông Hùng "ngưỡng mộ" một doanh nghiệp lớn như FPT vẫn còn giữ được "sự máu lửa" và hoàn toàn tin vào sức bật ông Khoa đã chia sẻ.
Ông Hùng cho biết trong nhiều năm qua, chưa bao giờ đội ngũ của Base đi chệch lại sứ mệnh đã đặt ra.
Tiếp nối, ông Khoa cho biết Base sẽ có con đường của Base, FPT sẽ không buộc Base giống với FPT mà sẽ tạo cho FPT sự phát triển vững chắc, bền vững. Ông Khoa cho rằng, nhân duyên đã đem hai doanh nghiệp đến với nhau, không chỉ là hình tượng hóa khát vọng của Base, mà còn là khát vọng của FPT. Theo đó, FPT sẽ biến giấc mơ của Base thành sự thật.
Cùng quan điểm với ông Khoa, CEO của Base cho rằng, điểm quan trọng là làm sao giúp cho doanh nghiệp Việt Nam phát triển nhanh hơn. Cả hai doanh nghiệp đều có nhiều điểm giống nhau, và không chỉ ở Việt Nam, cả hai sẽ cùng nhau phát triển, với một chặng đường rất dài ở phía trước, mang khát vọng mang trí tuệ Việt Nam ra toàn cầu.
-
20h05
Phần đối thoại giữa FPT và Base
Nối tiếp những chia sẻ của ông Trương Gia Bình là phần đối thoại giữa ông Nguyễn Văn Khoa - Tổng giám đốc FPT và ông Phạm Kim Hùng - CEO Base, với vai trò tương ứng là người đưa ra bài toán, người sẽ viết lời giải.
Mở đầu, ông Nguyễn Văn Khoa cho biết, FPT với hơn 30 năm phát triển đã có được những thực tiễn quản trị tốt nhất, đặc biệt là câu chuyện tiến ra nước ngoài. Điều mà đơn vị trăn trở suốt 30 năm qua làm thế nào để đóng gói, chuyển giao trực tiếp được các sản phẩm cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam sử dụng, giúp họ nâng tầm năng lực quản trị.
Ông Phạm Kim Hùng tiếp lời, câu chuyện đó gợi đến hành trình khởi nghiệp của Base. Khi đứng trước nhiều lựa chọn, ông nhận ra nếu phát triển sản phẩm riêng lẻ, sẽ đến lúc doanh nghiệp không thể đóng gói những sản phẩm đó. Lúc đó, ông đưa ra lựa chọn rủi ro là làm platform, tạo ra nền tảng quản trị doanh nghiệp giúp đóng gói tri thức quản trị thành các sản phẩm cho các doanh nghiệp dễ dàng sử dụng và tích hợp những công nghệ mới nhất.
Một câu hỏi mà Base vẫn trăn trở là suốt 5 năm chỉ có thể giải quyết 50 bài toán. Ông mong muốn giải được nhiều bài toán hơn, mang lại nhiều giá trị hơn với tốc độ nhanh nhất: từ 50 bài toán lên 100 bài toán và hơn thế nữa cho 800.000 doanh nghiệp SME; rút ngắn thời gian từ năm năm xuống còn một năm.
-
20h00
FPT M&A Base
Tiếp nối phần phát biểu của ông Phạm Kim Hùng - CEO của Base, ông Trương Gia Bình - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FPT có những chia sẻ về hành trình kết nối, gặp gỡ vị CEO trẻ tuổi này.
Theo ông Trương Gia Bình, đây là cái "bắt tay" vô cùng quan trọng của FPT. Ba năm trước, FPT cũng "bắt tay" với một doanh nghiệp lớn tại Mỹ. Nhờ đó, FPT đã "đua" được với nhiều tập đoàn lớn trên thế giới, mở ra một chương mới cho Tập đoàn FPT tại thị trường Mỹ.
Ông Trương Gia Bình tin tưởng lịch sử đó sẽ được lặp lại khi FPT và Base có chung một mục tiêu - đóng góp để Việt Nam hùng cường.
Nhiều năm qua, trong chiến lược của mình, FPT đã đẩy mạnh chuyển đổi số cho doanh nghiệp, trong đó FPT đã tập trung vào doanh nghiệp lớn. Cụ thể, khi tham vấn về chiến lược 4.0 của các quốc gia trên thế giới, ông Trương Gia Bình nhận thấy gần như tất cả đều đề cập đến chiến lược chuyển đổi số cho SME.
Với các doanh nghiệp lớn, cơ hội chuyển đổi số không quá khó khăn. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ đã phá sản khi chuyển đổi số bắt đầu, cuộc cạnh tranh trở nên khốc liệt hơn. Theo ông Bình, chưa bao giờ khách hàng có những yêu cầu cao hiện nay.
Hiện nay, các doanh nghiệp đều hiểu thế giới thực và thế giới ảo đều là một. Mọi doanh nghiệp đều là doanh nghiệp số. Mọi lãnh đạo đều là lãnh đạo số. Bạn chỉ có thể chạm vào khách hàng khi bạn có kế hoạch số, quản trị số, chỉ đạo số... Tất cả đều xảy ra trong thời gian thực. Không chuyển đổi số, tất cả doanh nghiệp vừa và nhỏ hay doanh nghiệp lớn đều giống nhau.
Trong chiến lược phát triển chuyển đổi số cho SME, FPT quyết định "kiểu gì cũng phải làm với sứ mệnh người đi đầu". Tuy nhiên, Base đã bắt đầu sứ mệnh đó trước 5 năm.
Ông Bình tâm đắc khi Base tiếp cận theo hướng platform (nền tảng). Trước đó, FPT đã trò chuyện cùng nhiều doanh nghiệp sử dụng sản phẩm Base, gần như tất cả đều đánh giá sản phẩm Base dễ dùng.
Điều tiếp theo trong hành trình của FPT và Base chính là tốc độ. Cụ thể, FPT sẽ giúp Base có tốc độ tăng trưởng cao nhất, nhanh chóng đưa vào những module mới đáp ứng nhiều nhu cầu của doanh nghiệp số.
Theo ông Bình, doanh nghiệp Việt Nam gần như sống trong một thế giới số, với AI, với quy trình. Nhờ những nền tảng của Base, các SME không cần phải học quá nhiều kiến thức về công nghệ. Chủ tịch HĐQT FPT mong muốn nhiều người sẽ hỗ trợ Base để đưa sản phẩm đến cho nhiều người dùng hơn.
Cuối cùng, đồng điệu của Base và FPT chính là giới hạn toàn cầu. Ông Bình cho biết, đây là thời điểm FPT chắp cánh cho Base để giúp Base biến ước mơ thành sự thật.
"Sau sự kiện hôm nay, cả hai sẽ cùng ngồi xuống làm việc để đưa sứ mệnh giúp đỡ SME nhanh chóng trở thành hiện thực", ông Trương Gia Bình kỳ vọng.
-
19h40
Base và "giấc mơ" giúp doanh nghiệp Việt chuyển đổi số
Ông Phạm Kim Hùng, nhà sáng lập kiêm CEO Base chia sẻ, hành trình của đơn vị bắt đầu từ năm 2016 với 5 nhân sự. Khi công nghệ và chuyển đổi số còn mới mẻ, ông mong muốn xây dựng một nền tảng công nghệ dành riêng cho doanh nghiệp Việt Nam.
"Chúng tôi khát vọng xây dựng được một hệ điều hành mà mỗi doanh nghiệp Việt Nam sử dụng ít nhất một sản phẩm. Chúng tôi cũng có niềm tin rằng phần mềm sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam, tiếp sức mạnh cho các doanh nghiệp. Thời gian qua, chúng ta đã nhìn thấy 800.000 doanh nghiệp đứng trước cơ hội chuyển đổi số", ông nói.
Nhưng, không mất một năm để ông nhận ra đó là một ước mơ quá tầm. Trong suốt một năm trời, Base chỉ có được 50 khách hàng, dù rất nhiều nỗ lực.
Khách hàng đầu tiên đến văn phòng họp với Base lúc 21h, vì chuyến bay bị trễ. Và anh chọn mua sản phẩm vì thấy những kỹ sư đang code ngày đêm, hăng say làm việc. Đến lúc này, sau 5 năm, văn phòng Base chưa bao giờ tắt đèn trước 21h.
Ông nhấn mạnh, sức mạnh của Base đến từ hai điều: khát vọng và nỗ lực điên rồ. Đơn vị cố gắng một cách cháy bỏng và điên cuồng không phải là vì giấc mơ khả thi, mà đơn giản là một thứ đáng để đánh đổi trong cuộc đời: một ước mơ dù có đi tiếp bao nhiêu lâu, một năm hay mười năm vẫn là thứ đáng để làm, tạo ra ý nghĩa tốt đẹp giúp thay đổi các doanh nghiệp.
5 năm sau, với Base, nhiều thứ không thay đổi, thậm chí mạnh mẽ hơn, đó là khát vọng và niềm tin, nỗ lực ngày đêm phát triển dịch vụ tốt nhất cho các doanh nghiệp. Văn phòng Base vẫn chưa bao giờ tắt đèn trước 21h. Nhưng cũng có những thứ đã khác, hơn 5.000 khách hàng là doanh nghiệp khắp Việt Nam. Base cũng tạo ra 12 triệu công việc; 500.000 dự án được khởi tạo; 2 triệu đề xuất được phê duyệt; 2,5 triệu truy cập hàng tháng; 30 triệu lượt sử dụng hàng tháng.
Base xây dựng một platform không giống với bất kỳ một platform nào ở Việt Nam: một hệ điều hành cho doanh nghiệp giống như Window... với các ứng dụng độc lập và chuyên sâu được tích hợp chung. Base đã giúp tăng hiệu suất, quản trị nhân sự, quản lý thông tin... trải nghiệm xuyên suốt từ website đến iOS, Android.
Khách hàng của Base là 5.000 doanh nghiệp trong hầu hết mọi lĩnh vực ngân hàng, bất động sản, vận tải, F&B, giáo dục, y tế, thương mại... Trong đó có các doanh nghiệp hàng đầu: Vingroup, VIB, ACB, Sacombank, Bamboo Airways, Golden Gate... lẫn các đơn vị khởi nghiệp, doanh nghiệp SME.
Trong giai đoạn 2020-2021, Base tiếp tục tăng trưởng theo cấp số nhân, trên 100% mỗi năm. Dù 2020 là một năm vô cùng khó khăn vì Covid-19, Base nhận được đầu tư từ 5 quỹ đầu tư hàng đầu trong khu vực. Đơn vị thuộc top 10% trong danh mục đầu tư các quỹ. Base HRM - sản phẩm quản trị nhân sự vừa ra mắt trong năm qua cũng được nhiều đơn vị sử dụng.
Nhân sự của Base, những người viết nên câu chuyện của Base rất trẻ, trung bình 26-27 tuổi. Nhìn lại chặng đường 5 năm đã qua, ông Hùng cho biết ở Base không có hai từ "thành công" mà chỉ có "kế hoạch". Ông cho biết giấc mơ của Base đã trở nên lớn hơn, không chỉ dừng lại ở Việt Nam mà còn vươn tầm thế giới, đây chính là thời điểm để Base bắt đầu một hành trình mới: "Trong hành trình đó, Base không đi một mình mà luôn có một người ở bên cạnh truyền cảm hứng - một người mà bản thân tôi rất ngưỡng mộ, một người anh lớn đồng hành. Và bây giờ, anh ấy sẽ xuất hiện tại sân khấu này, để cùng tôi tiếp tục trên chặng đường sắp tới - ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT".
-
19h33
Doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) - động lực phát triển kinh tế
Hiện nay, có 800.000 doanh nghiệm SME, chiếm 97% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trong nền kinh tế. Hàng năm, các doanh nghiệp SME đóng góp 45% GDP, tạo ra 50% việc làm.
Mặc dù vậy, hoạt động SME gặp khá nhiều khó khăn, đơn cử như năng suất lao động thấp, năng lực cạnh tranh yếu, thiếu năng lực quản trị. So sánh cụ thể, năng suất lao động SME Việt Nam thấp hơn 26 lần so với Singapore, 4 lần so với Trung Quốc, 7 lần so với Malaysia, 2 lần so với Philippines, 3 lần so với Thái Lan.
Ngược lại, Việt Nam cũng có những lợi thế riêng. Theo Viện nghiên cứu Lowy của Australia, Việt Nam xếp thứ hai thế giới về kiểm soát Covid-19. Đồng thời, với chỉ số tăng trưởng 2,9%, Việt Nam thuộc nhóm tăng trưởng GDP cao.
Từ đó, để có thể bứt phá, doanh nghiệp SME cần chớp thời cơ và tận dụng công nghệ. Những giải pháp này được các chuyên gia, đại diện đơn vị công nghệ hàng đầu Việt Nam trình bày cụ thể trong sự kiện.
-
Chương trình diễn ra tại Gem Center (quận 1, TP HCM), có sự tham gia của nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp, startup lĩnh vực công nghệ.
Covid-19 được lãnh đạo FPT đánh giá là thời cơ của chuyển đổi số, khi đầu tư số trực tiếp vào chuyển đổi không ngừng tăng. Tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) dự báo 15,5% trong giai đoạn 2020-2023, có thể đạt 6.800 tỷ USD năm 2023.
FPT tiếp tục theo đuổi mục tiêu dài hạn Top 50 công ty dịch vụ chuyển đổi số hàng đầu thế giới và doanh thu dịch vụ chuyển đổi số tăng trưởng hai con số trong nhiều năm tới. Mới đây, FPT vượt qua nhiều đối thủ nặng ký, triển khai chuyển đổi số cho công ty kinh doanh ôtô hàng đầu tại Mỹ, trị giá hợp đồng 150 triệu USD.
Năm 2021, FPT đặt mục tiêu doanh thu 34.720 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 6.210 tỷ đồng, tăng lần lượt 16,4% và 18% so với cùng kỳ. Đây là mức tăng trưởng bền vững FPT mong muốn duy trì trong dài hạn, nhất là khi thế giới đang bước vào kỷ nguyên số, thời cơ vàng cho các công ty công nghệ như FPT. Kết thúc quý I, tập đoàn công bố doanh thu và lợi nhuận trước thuế lần lượt 7.586 tỷ đồng và 1.397 tỷ đồng, tương đương mức tăng trưởng 14,4% và 22,3%.