Tại buổi chia sẻ với sinh viên Trường Quốc tế - Đại học Quốc gia Hà Nội, ông Dũng cho biết, Iron Team là một chương trình huấn luyện người lao động qua trải nghiệm, theo phương pháp thủy quân lục chiến tại Việt Nam. Hiện, dự án đã được nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lựa chọn để rèn luyện đội ngũ nhân sự tăng thêm tính kỷ luật và bản lĩnh.
Nam diễn giả kể lại, ông từng là phó chủ tịch một tập đoàn đầu tư tài chính, làm việc với hàng trăm nhân sự chất lượng cao. Tuy nhiên, ông luôn trăn trở câu hỏi: Làm sao để điều phối một mạng lưới rộng, giúp mọi nhân sự đều thấu hiểu sứ mệnh, tầm nhìn của doanh nghiệp?.
Sau đó, ông Dũng tình cờ tham gia một khóa huấn luyện ngắn ngày của chuyên gia từ Mỹ vào năm 2012, những bài học đặc biệt từ người dạy, một cựu đại tá hải quân, cùng các bài đào tạo đặc biệt khiến ông ấn tượng mạnh mẽ. Từ đó, ông nảy ra ý tưởng Việt hóa khóa huấn luyện để áp dụng cho các doanh nghiệp, doanh nhân.
Ông Dũng đổ nhiều công sức, tiền bạc để nghiên cứu thị trường, khách hàng và triển khai các chương trình thử nghiệm. Ban đầu, Iron Team được tổ chức dưới dạng khóa huấn luyện hai ngày một đêm, đưa người tham gia vào môi trường thiên nhiên biệt lập để rèn luyện các bài tập về khả năng sinh tồn, cân bằng, làm việc nhóm. Sau một năm, ông dồn sức để xây dựng và "chạy thử" sản phẩm và thương mại hóa vào năm 2014. Thế nhưng, vì quá chú tâm vào việc sáng tạo, dự án không thu hút nhiều khách hàng khi tiếp cận chưa đúng insight (tạm dịch: nhu cầu của người dùng).
"Đến 2015, tôi phải đối mặt với biến cố phá sản lần thứ hai trong đời, mất trắng toàn bộ tiền bạc, mối quan hệ, thương hiệu đã phải đánh đổi nhiều tâm huyết để gây dựng", ông nói thêm.
Tuy nhiên, ông Dũng vẫn quyết tâm khởi nghiệp lại với hai bàn tay trắng. Dự án Iron Team tái khởi động vào năm 2018. Rút kinh nghiệm từ những thất bại trước đó, nhà sáng lập và nhóm cộng sự tập trung hoàn thiện sản phẩm, nghiên cứu và giải quyết "nỗi đau" về nhân sự của chủ doanh nghiệp.
Theo ông, thông điệp "không bỏ cuộc" trong chương trình là yếu tố quan trọng tạo nên sức hút, sự tín nhiệm đối với các doanh nghiệp khi chọn hoạt động huấn luyện nhân sự. Lúc này, dự án đã được nhiều khách hàng đón nhận hơn. Trong hai năm bùng phát dịch bệnh, dù kinh tế khó khăn, chương trình vẫn được nhiều doanh nghiệp biết đến và lựa chọn.
Về chặng đường đã qua, ông Dũng khẳng định hành trình khởi nghiệp của mình thất bại nhiều hơn thành công. Tuy nhiên, ông tin việc học từ những thất bại sẽ giúp mỗi người có thể làm nên thành công.
"Chỉ cần bạn ghi nhớ rằng không bao giờ bỏ cuộc, không sợ hãi, thành quả xứng đáng sẽ đến. Hãy hành động, lập kế hoạch. Bạn có thể phải trả giá nhưng chính điều đó sẽ giúp bạn hoàn thiện bản thân", ông nhấn mạnh.
Tại buổi trao đổi với sinh viên, nhà sáng lập Iron Team đúc rút ra 4 bài học khởi nghiệp quan trọng, bao gồm: mục tiêu khởi nghiệp rõ ràng; lộ trình đúng đắn; chuẩn bị hành trang kỹ lưỡng về kiến thức, kỹ năng và tìm kiếm cố vấn tốt, hỗ trợ, đồng hành.
Ngoài ra, ông cũng cho biết, chương trình vận hành linh hoạt với đội ngũ nhân sự không lớn. Cộng sự luôn được chia sẻ vè tầm nhìn của dự án. Điều này góp phần giúp nhà sáng lập tìm được những người đồng hành uy tín.
Cuộc trò chuyện khởi nghiệp diễn ra tối ngày 10/10, nằm trong chuỗi các hoạt động thuộc khóa học Khởi nghiệp - khóa học chuyển đổi tín chỉ trực tuyến tại FUNiX. Qua đây, sinh viên có cơ hội tiếp thu kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp, học hỏi kinh nghiệm từ các chuyên gia là CEO và tham quan doanh nghiệp. Các bạn cũng được thực hành các dự án khởi nghiệp giả lập, hướng dẫn tranh tài trong cuộc thi tự gọi vốn cho dự án.
Đây là năm thứ ba FUNiX cùng Trường Quốc tế tổ chức khóa học chuyển đổi bộ môn Khởi nghiệp theo hình thức online. Năm nay, khóa học có 383 sinh viên tham gia.
Quỳnh Anh