Hãng xe Mỹ cho biết, dù có thiết kế xe bán tải nhưng mẫu Raptor được coi là xe con bởi không thỏa mãn các quy định về công năng của xe bán tải theo Cục đăng kiểm. Trong đó, lý do chính là tỷ lệ giữa tải trọng chở hàng với chở người yêu cầu phải đạt trên 0,8 nhưng của Raptor chỉ xấp xỉ 0,8.
Raptor kích thước tương tự Ranger nhưng sử dụng nhiều chi tiết để tối ưu hóa khả năng vận hành êm ái. Đặc biệt nhất là hệ thống giảm xóc Fox Racing Shox, treo sau liên kết đa điểm kết hợp lò xo và giảm chấn thủy lực. Trong khi đó, Ranger sử dụng giảm xóc bằng lá nhíp truyền thống như trên xe tải. Ưu điểm của Fox là vận hành êm ái nhưng lại không thể tải nặng như nhíp.
Đại diện Ford cho rằng việc quy định Raptor mang biển xe con là hợp lý. Thiết kế xe bán tải nhưng hãng xe Mỹ hướng mẫu xe mới tới tính năng của một chiếc SUV. Ngoài hệ thống treo hàng hiệu, xe còn có động cơ 2.0 Bi-turbo, hộp số tự động 10 cấp và nhiều tiện nghi nội thất cũng như công nghệ an toàn.
Phía đăng kiểm Việt Nam cho biết, hiện chưa có hồ sơ của Raptor đăng ký làm biển số, nhưng sẽ căn cứ vào các quy định để xem xét khi có xe. Thực tế Raptor không phải trường hợp đầu tiên dáng bán tải mang biển xe con, trước đó những chiếc Ford F-150 nhập khẩu không chính hãng cũng thường đeo biển A, H (xe con) chứ không phải biển C (xe tải).
Khi được coi là xe con, các mức thuế, phí áp lên Raptor sẽ thay đổi nhiều so với xe bán tải. Cụ thể như bảng dưới đây:
Thuế, phí | Xe bán tải | Xe con |
Nhập khẩu | 0% | 0% |
Tiêu thụ đặc biệt, động cơ 2.0 | 15% | 40% |
Lệ phí trước bạ | 2% | 10-15% |
Niên hạn | 25 năm | Không giới hạn |
Mức thuế nhập khẩu 0% (nếu đạt đủ 40% nội địa hóa ASEAN) không có khác biệt giữa xe bán tải và xe con nhưng thuế TTĐB và lệ phí trước bạ lại có khoảng cách lớn.
Công thức tính giá xe cơ bản nhất là giá về cảng + thuế nhập khẩu (0%) + thuế TTĐB + VAT 10%. Chi phí của khách hàng tính thêm lệ phí trước bạ, nên con số phải trả là giá về cảng x (1+% TTĐB) x (1+%VAT) x (1+% trước bạ). Khách hàng trả thêm phí trước bạ 10-15% tùy địa phương. Giả sử một xe có giá nhập về cảng 1 tỷ, khách mua ở Hà Nội, trước bạ 12%.
Tính theo phương án xe bán tải, chi phí khách phải trả sơ bộ là 1 tỷ x (1+15%) x (1+10%) x (1+2%) = 1,2903 tỷ.
Tính theo phương án xe con, chi phí khách phải trả là 1 tỷ x (1+40%) x (1+10%) x (1+12%) = 1,7248 tỷ.
Chênh lệch giữa hai phương án là 434,5 triệu. Mức giá nhập về cảng càng cao, chi phí thực tế càng cao. Nếu giá nhập cảng chỉ là 500 triệu, mức chênh giảm đi một nửa, còn 217 triệu.
Trước khi có thông tin Raptor bị áp theo xe con, một số thông tin từ các đại lý cho rằng mẫu xe này sẽ có giá khoảng 1,2 tỷ. Với cách tính mới, giá xe có thể ảnh hưởng lớn. Tuy vậy, Ford Việt Nam cho biết sẽ hỗ trợ khách hàng để đặt giá ở mức hợp lý, thấp hơn so với bản cao nhất của Everest là Titanium 2.0 Bi-turbo, hiện bán ở giá 1,4 tỷ. Không loại trừ khả năng xe vẫn ở ngưỡng 1,2 tỷ.
Xe bán tải ở Việt Nam nhiều khả năng bị thắt chặt hơn trong cách đánh thuế, phí. Mới đây, Bộ tài chính đề xuất sửa đổi phí trước bạ xe bán tải nhiều lần. Lần đầu bằng 60% ôtô con (mức thu phí khoảng 10-15% giá xe). Ở lần nộp lệ phí trước bạ lần thứ 2 trở đi, mức thu đề xuất là 2% giá xe và áp dụng thống nhất trên toàn quốc.
Đức Huy