Ford cũng là hãng xe mới nhất rời khỏi một trong những thị trường lớn nhất ở châu Á, nơi do chính các hãng xe bản địa thống trị. Suốt một thập kỷ qua, thương hiệu Mỹ không thu được lợi nhuận ở Ấn Độ.
Có mặt tại quốc gia Nam Á từ cách đây 25 năm, nhưng đến nay, thị phần của Ford chưa đến 2%. Hãng đã nỗ lực suốt nhiều năm qua nhằm chinh phục khách hàng Ấn Độ và có lãi, nhưng thất bại.
Trong thông báo đưa ra hôm 9/9, Ford cho biết khoản thua lỗ là hơn 2 tỷ USD trong 10 năm và nhu cầu đối với các sản phẩm mới của hãng là rất thấp.
Anurag Mehrotra, người đứng đầu Ford Ấn Độ nói: "Mặc dù nỗ lực, chúng tôi không thể tìm ra con đường để dẫn tới lợi nhuận lâu dài".
Quyết định của Ford nhằm cắt lỗ tại Ấn Độ. Hãng cũng đã rời khỏi Brazil đầu năm nay do áp lực đầu tư hơn nữa vào việc điện hóa và xe tự lái, cũng như công nghệ kết nối trên ôtô.
Không chỉ Ford, hiện nhiều hãng xe khác cũng đang phải tranh đấu để duy trì sự hiện diện tại các thị trường lớn. Các hãng như Ford, General Motors (GM), Renault và Stellantis đang dần rút khỏi những liên doanh đốt tiền và chuyển nguồn vốn sang điện hóa và đầu tư vào công nghệ mà họ cần để sống sót. Trước Ford, GM và Harley-Davidson cũng đã rời khỏi Ấn Độ.
Quốc gia Nam Á từng được đánh giá trở thành thị trường ôtô lớn thứ ba thế giới vào 2020, sau Trung Quốc và Mỹ, với doanh số hàng năm khoảng 5 triệu xe. Nhưng số xe thực tế bán được trong năm qua chỉ khoảng 3 triệu xe, sau cả châu Âu và Nhật Bản.
Thị trường ôtô ở Ấn Độ vốn bị thống trị bởi dòng xe cỡ nhỏ, giá rẻ, chủ yếu là sản phẩm của Suzuki. Thương hiệu Maruti Suzuki chiếm 7 trong Top 10 xe bán chạy, và ba xe còn lại của Hyundai.
Ford đã tăng đầu tư vào xe điện và những phần mềm tiên tiến. Hồi tháng 5, hãng nói có thể tăng chi tiêu vào xe điện, tới 30 tỷ USD tính đến hết 2030.
Dưới thời của giám đốc điều hành Jim Farley - người nhận ghế từ tháng 10/2020 - Ấn Độ là sự ưu tiên ở mức độ thấp, một nguồn tin từng nói với Reuters. Là một phần của kế hoạch dưới thời của vị tướng mới, Ford Ấn Độ sẽ dừng hoạt động các nhà máy ở Sanand ở phía tây bang Gujarat vào quý IV/2021 và dừng sản xuất xe cũng như động cơ ở nhà máy tại Chennai trong 2022.
Tại Ấn Độ, Ford vốn có công suất khoảng 440.000 xe mỗi năm tại các nhà máy này, nhưng chỉ sử dụng khoảng 25% năng lực này, theo Global Data.
Hãng xe Mỹ sẽ tiếp tục bán xe tại Ấn Độ qua kênh nhập khẩu và sẽ hỗ trợ các đại lý để làm dịch vụ cho khách hàng hiện nay. Khoảng 4.000 nhân viên dự kiến bị ảnh hưởng bởi quyết định rút lui của Ford.
Việc dừng sản xuất được quyết định sau khi Ford và Mahindra & Mahindra thất bại trong việc thông qua việc lập một đối tác liên doanh cho phép Ford tiếp tục sản xuất xe với chi phí thấp hơn hiện nay.
Ford cho biết họ từng cân nhắc những lựa chọn khác tại Ấn Độ, gồm tạo đối tác, nền tảng chia sẻ, hợp đồng sản xuất và khả năng bán các nhà máy - một kế hoạch còn đang được xem xét.
Ford sẽ tiếp tục hoạt động tại nhà máy động cơ ở Sanand, nơi xuất khẩu động cơ cho dòng bán tải Ranger trên toàn cầu. Hãng cũng tiếp tục dựa vào chuỗi cung ứng từ Ấn Độ với linh kiện sử dụng cho các sản phẩm toàn cầu.
Trong thông báo riêng, Hiệp hội các đại lý ôtô Ấn Độ (FADA) cho biết họ ngạc nhiên vì động thái của Ford.
Có khoảng 400 đại lý Ford tại Ấn Độ, nơi đã được đầu tư 272 triệu USD trong thời gian qua, theo FADA. Hiệp hội cũng nói rằng hãng Mỹ đã chỉ định các đại lý mới cách đây 5 tháng. "Những đại lý như thế sẽ chịu khoản thua lỗ lớn nhất trong lịch sử hoạt động của họ", FADA nhận xét.
Mỹ Anh