Xe
Thứ năm, 27/12/2018, 14:30 (GMT+7)

Ford Ranger Raptor - mẫu bán tải thách thức địa hình  

Raptor so với Ranger nguyên bản có nhiều cải tiến ở vật liệu, thiết kế và hệ thống kiểm soát địa hình, phù hợp với người lái ưa mạo hiểm.

Những khác biệt căn bản

Sử dụng động cơ diesel 2.0 tăng áp kép mạnh nhất phân khúc (công suất 210 mã lực, sức kéo 500Nm) và hộp số tự động 10 cấp như trên Ranger Wildtrak, Raptor tạo ra hàng loạt sự khác biệt.

Đầu tiên là chiều rộng xe tăng tới 150mm so với Ranger nguyên bản, nhờ đó tăng độ vững vàng khi offroad. Ngoài ca-lăng đặc trưng, hai bên sườn và tai xe cũng được thiết kế lại, khiến ngoại hình chiếc xe trông mạnh mẽ hơn.

Bộ khung Raptor gia cố ở tất cả các khớp nối, chân đỡ hệ thống treo, hay những vị trí chịu lực. Hệ thống treo hiệu Fox thiết kế dành cho xe đua địa hình tốc độ, đi cùng bộ lốp đa địa hình BF Goodrich và la-zăng khỏe.

Một vài chi tiết nhỏ nhưng góp phần không nhỏ làm nên giá trị của Raptor. Đó là tấm chắn gầm bằng thép gia cường dày 2,3cm giúp bảo vệ máy và hộp số trước va đập từ gầm xe. Bậc bước Raptor vừa đảm nhiệm chức năng cơ bản như tên gọi của nó, vừa chống đỡ những cú tì lên đá hộc, bảo vệ sườn xe khi cần thiết. Cuối cùng, hai móc kéo phía sau bắt thẳng vào khung giúp Raptor có thể cứu hộ hoặc kéo theo những vật nặng. Bên trong xe, ghế bo cao hai bên đùi và sườn, ôm gọn cơ thể người ngồi. 

Tính năng để chinh phục

Tại Tuần Châu - nơi vừa diễn ra giải "Vua bán tải 2018", Raptor được dịp thể hiện 3 ba trong 6 chế độ đặc biệt thuộc hệ thống kiểm soát địa hình, gồm chế độ bùn - cát, chế độ leo đá và chế độ baja.

Đầu tiên, chế độ bùn - cát được kích hoạt khi Raptor vượt những cồn cát hay hố bùn. Ngoài việc tăng sức kéo ở tốc độ vừa phải, hệ thống kiểm soát địa hình còn cho phép bánh xe trượt văng, tạo gia tốc cần thiết để không bị mất đà. 

Tiếp đó là chế độ leo đá, kích hoạt cùng với chế độ 4L. Hộp số chuyển cấp muộn hơn, đồng nghĩa với việc sức kéo ở tốc độ chậm sẽ lớn hơn, giúp chiếc xe từ từ lăn bánh trên những tảng đá hộc lớn mà không cần nạp ga. Khoảng sáng gầm 283mm (tăng 80mm so với Ranger nguyên bản) là yếu tố góp phần làm cho khả năng leo đá của Raptor được tối ưu.

Ở Baja mode - chế độ thách thức nhất mà mẫu bán tải Raptor độc quyền sở hữu - cái tên xuất phát từ một trong những giải đua xe địa hình tốc độ thách thức nhất Baja 1000. Trên con đường mòn đất đá lổn nhổn trong khu thử nghiệm, chiếc xe vẫn có thể lao đi với tốc độ lên tới gần 150km/h êm ái và cân bằng.

Sự khác biệt cũng như sức chịu đựng của hệ thống khung gầm và giảm xóc thể hiện rõ rệt trong những pha tốc độ cao và bay khỏi mặt đất. Những cú bay và tiếp đất ở tốc độ cao có thể tạo nên sức ép cả trăm tấn lên bộ giảm xóc Fox, nhưng Raptor vẫn vững vàng và tiếp tục băng đi một cách êm ái.

Ford đã sử dụng các chất liệu nhẹ nhưng siêu cứng và đắt tiền như hợp kim nhôm hay sợi carbon ở hệ thống càng hay tai xe. Điều này giúp phân bổ trọng lượng đều hơn giữa phần đầu và đuôi, giúp Raptor cân bằng hơn trong những pha thách thức địa hình.

Nhược điểm của Raptor là độ ồn. Nếu Ranger Wildtrak nguyên bản yên tĩnh nhất phân khúc, thì Raptor ồn ào hơn khi chạy trên đường cao tốc do lắp lốp AT.

Toàn An