Phát ngôn viên của Ford hôm 22/1 cho biết hãng đang thực hiện các bước triệu hồi xe theo yêu cầu của NHTSA đối với các sản phẩm lắp túi khí Takata bên hông ghế lái có cụm bơm khí lỗi. Những xe trong diện ảnh hưởng sản xuất trong giai đoạn 2006-2012, gồm Edge, Fusion, Ranger, Lincoln MK, MKZ/Zephyr và Mercury Milan. Chi phí cho đợt triệu hồi này tiêu tốn Ford một khoản 610 triệu USD.
Hãng xe Mỹ hồi 2017 từng kiến nghị lên NHTSA về việc không triệu hồi xe liên quan đến vấn đề nêu trên. Tuy nhiên, sau khi xem xét các thông tin, cơ quan này buộc Ford phải thực hiện triệu hồi vì cho rằng nguy cơ tiềm ẩn trong tương lai. Cụ thể, cụm bơm khí trong một số trường hợp xảy ra va chạm có thể vỡ, tạo áp lực lớn khiến các mảnh kim loại bắn ra khoang lái, gây tổn thương cho tài xế, thậm chí chết người.
Khoảng 2,7 triệu xe Ford phải triệu hồi tại Mỹ để thay thế cụm bơm túi khí, hơn 300.000 xe ở Canada và những thị trường khác. Bên cạnh Ford, Mazda cũng bị buộc triệu hồi 5.800 xe bán tải B-Series, phiên bản rebadge (mua bản quyền) từ Ranger, sản xuất trong giai đoạn 2007-2009. Mazda và Ford có 30 ngày để đưa ra các kế hoạch triệu hồi theo yêu cầu của NHTSA.
Lỗi túi khí Takata gây ra đợt triệu hồi xe lớn nhất ngành công nghiệp ôtô Mỹ với hơn 67 triệu cụm bơm khí gặp vấn đề. Trên toàn cầu, khoảng 100 triệu bộ bơm khí được 19 hãng xe lớn lắp đặt và phải triệu hồi sau đó để sửa chữa.
Tháng 11/2020, NHTSA cũng bác đề xuất "chưa cần thiết triệu hồi" của General Motors, buộc hãng gọi về 5,9 triệu xe SUV và bán tải có cụm bơm khí lỗi, sản xuất trong giai đoạn 2007-2014, để sửa chữa. Chi phí hãng xe Mỹ phải chi ước tính khoảng 1,2 tỷ USD.
Phạm Trung (theo Reuters)