Metro Bến Thành - Suối Tiên là dự án đường sắt đô thị đầu tiên của TP HCM, bắt đầu đưa vào khai thác hôm 22/12. Ngay sau đó, thông tin bằng tiếng Anh trên biển chỉ dẫn khiến nhiều người thắc mắc.
Bức ảnh chụp biển đề "for Ben Thanh (đi Bến Thành)" được chia sẻ trên mạng xã hội những ngày qua, thu hút hàng nghìn tương tác. Nhiều người cho rằng phải dùng "to Ben Thanh" thay vì "for".
Theo một chuyên gia ngôn ngữ ở trường Đại học Hà Nội, dùng "to" hay "for" đều được nhưng dùng "for" chính xác hơn.
"Dùng 'for' nếu Bến Thành là hướng đi ga cuối", ông nói. "Nguyên tắc đi metro bao giờ biển chỉ dẫn cũng chỉ hướng của bến cuối nên dùng 'for' là đúng".
TS Trần Thị Lan Anh, Phó trưởng khoa Sư phạm tiếng Anh, trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội, đồng tình. Chị cho rằng ở ga tàu chỉ ghi biển đến bến cuối cùng để hành khách lên đúng ga chứ không ghi nơi đến tiếp theo.
Chẳng hạn, biển chỉ dẫn ở metro Nhổn ghi Ga Nhổn (Nhon Terminal) và Đi Hà Nội (For Hà Nội). Biển này chỉ hai hướng: về phía Hà Nội và về phía Nhổn, bên dưới là những điểm dừng.
"For Ben Thanh/For Hanoi là 'leave for/head for' chỉ điểm đến cuối cùng", chị nói.
Ngược lại, hai chuyên gia ngôn ngữ người Việt ở nước ngoài cho rằng "to" là cách dùng hợp lý và phổ biến trong bối cảnh này.
"Trường hợp này không có động từ nên khó biết đúng, sai. Tuy nhiên dùng với 'to' tự nhiên hơn vì 'to' thường dùng để chỉ đi đến đâu đó", TS Phùng Thùy Linh, nhà sáng lập Tổ chức giáo dục Eduling, chuyên gia Anh ngữ của Bộ Ngoại giao Mỹ, nói.
Chuyên gia giải thích trong tiếng Anh, muốn diễn đạt ý "đi đến đâu", người ta thường dùng "to", ví dụ traveling to school, to the market, to Hanoi (đến trường, đi chợ, đi Hà Nội). Những động từ như "go", "travel", "fly"... cũng đi với "to".
Có trường hợp dùng "for" nhưng đó là khi gắn với động từ "leave" để nói đến một nơi khác, ví dụ I'm leaving for Vietnam tomorrow (tôi sẽ đến Việt Nam vào ngày mai).
TS Ngô Tuyết Mai, giảng viên Sư phạm tiếng Anh, Đại học Flinders, Nam Australia, có ý kiến tương tự. Theo cô Mai, đây là biển hiệu ám chỉ hướng tàu đi về nên "to" là đúng, vì nó có nghĩa "get to" (đi đến). "Leave for" là chỉ bến tiếp theo trong một câu đầy đủ, không dùng cho biển hiệu.
Cô Mai cho hay ở Australia hoặc bến tàu điện ngầm London (Anh), nơi cô từng sống nhiều năm, biển chỉ dẫn cũng dùng "to".
"Là ngôn ngữ thì nên dùng theo các nước bản xứ cho chuẩn", cô nói.
Bình Minh