Khoản nợ thuế của FLC gồm chậm nộp thuế thu nhập cá nhân, thu nhập doanh nghiệp, tiền phạt vi phạm hành chính, phạt chậm nộp... Do quá hạn 90 ngày, Cục thuế Hà Nội cưỡng chế bằng biện pháp trích tiền từ các tài khoản tại ngân hàng.
20 quyết định liên quan tới khoản nợ này được cơ quan thuế gửi tới FLC và từng ngân hàng nơi doanh nghiệp mở tài khoản.
Trường hợp tiền trong tài khoản ít hơn khoản phải cưỡng chế, các nhà băng sẽ trích phần còn lại sau khi trừ đi số dư tối thiểu. Sau đó, họ theo dõi, trích tiếp số tiền phát sinh trên các tài khoản của doanh nghiệp trong thời gian quyết định có hiệu lực.
Đây không phải là lần đầu tiên Cục thuế Hà Nội yêu cầu cưỡng chế thuế với FLC. Đầu năm nay, tập đoàn này nhận được loạt quyết định cưỡng chế bằng việc trích tiền từ tài khoản ngân hàng gần 90 tỷ đồng và ngừng sử dụng hóa đơn.
Tại một số địa phương như Quảng Bình, Quy Nhơn, doanh nghiệp này cũng nằm trong sách nợ thuế quá hạn với số tiền lên hàng trăm tỷ đồng.
FLC là do ông Trịnh Văn Quyết thành lập, chủ yếu kinh doanh bất động sản. Nổi lên từ những thương vụ M&A địa ốc khắp Hà Nội từ cuối năm 2013, về sau công ty đầu tư hàng loạt dự án bất động sản nghỉ dưỡng nghìn tỷ tại Thanh Hóa, Bình Định, Quảng Ninh, Quảng Bình, Vĩnh Phúc...
Cuối tháng 3/2022, ông Quyết bị bắt với cáo buộc "thao túng" và "che giấu thông tin chứng khoán". Nhiều thành viên trong ban lãnh đạo tập đoàn này bị xác định là đồng phạm.
Tại đại hội cổ đông đầu năm nay, lãnh đạo FLC thừa nhận 2022-2023 là giai đoạn "vô cùng gian nan, thách thức" khi trải qua nhiều khó khăn do ảnh hưởng trực tiếp bởi các thông tin, vấn đề phát sinh liên quan đến vụ việc của các nguyên lãnh đạo cấp cao.
Năm nay, tập đoàn định hướng tiếp tục tái cấu trúc các khoản vay và định hình lại các lĩnh vực, với ba trụ cột chính là kinh doanh bất động sản, nghỉ dưỡng và M&A các dự án.
Trong bất động sản, tập đoàn này tiếp tục làm 7 dự án tại Thanh Hóa, Hạ Long, Quy Nhơn, Gia Lai và Quảng Bình. Kế hoạch doanh thu mảng này hơn 1.187 tỷ đồng.
Phương Dung