Mấy ngày nay dư luận xôn xao về việc trò chơi Flappy Bird được nằm ở vị trí đầu bảng của App Store và Google Play. Khía cạnh làm cho các trang mạng của người Việt Nam cũng như các nhà bình luận người Việt quan tâm chính là việc tác giả của nó là một người Việt Nam.
Tôi không quan tâm nhiều đến game, gần như chưa bao giờ truy cập vào App Store cũng như Google Play. Nhưng qua một số tin tôi đọc được, tôi cảm nhận thấy rằng dư luận nước ngoài thì tập trung vào trò chơi với các khía cạnh kĩ thuật, pháp lí, thủ thuật marketing... , còn người Việt Nam chúng ta chủ yếu bàn đến tác giả của trò chơi.
Điều đáng buồn là có nhiều “bình luận viên” cho rằng tác giả chỉ giỏi ăn cắp của người khác. Thay vì “dìm hàng” các nhà cạnh tranh nước ngoài, các “bình luận viên” của chúng ta lại tập trung vào việc “dìm tác giả”.
Việc tác giả rút trò chơi ra khỏi mạng có thể là một nước cờ cao tay, nhưng khả năng không nhỏ là do những áp lực từ phía cộng đồng đã làm cho tác giả thấy cần phải thoát ra khỏi mớ hỗn độn, làm cho đất nước chúng ta mất đi một cơ hội thể hiện mình.
Tôi đã không ít lần tự hào về tinh thần dân tộc của chúng ta. Nhưng qua sự kiện Flappy Bird này, tôi lại phải ngậm ngùi mà công nhận về cái khoản tự hào dân tộc thì chúng ta thua đứt nhiều dân tộc khác. Nhiều phát biểu cho thấy suy nghĩ của một số người Việt Nam rất tự ti.
Qua câu chuyện Flappy Bird lần này, tôi thấy tính cộng đồng của người Việt chúng ta quá kém. Xem một số bình luận, ý kiến của một số người, có vẻ như họ không muốn người khác thành công (trong trường hợp này là tác giả của Flappy Bird).
Trước đây, chuyện các học sinh Việt Nam đoạt huy chương Olympic Toán thế giới và các môn thi khác cũng được nhiều người bình luận theo hướng chúng ta chỉ giỏi ăn gian. Hay chuyện các tổ chức nước ngoài sắp xếp khả năng tiếng Anh của người Việt ở thứ hạng cao cũng cùng chung số phận. Còn nhiều dẫn chứng về những câu chuyện tương tự mà kể ra đây chỉ làm cho thêm đau lòng.
Chợt nhớ đến câu chuyện cười về người Việt Nam và người Nhật Bản. Một cuộc thi giữa 2 đội, Việt Nam và Nhật, mỗi đội có 3 người. Lúc đầu, cho lần lượt một người Việt Nam và một người Nhật xuống một cái hố, cả 2 phải tự leo lên miệng hố rồi chạy một khoảng đường xa bằng nhau. Lần nào người Việt Nam cũng thắng.
Nhưng khi bỏ mỗi đội vào một hố thì sau khi đội Nhật đã về đến đích một lúc lâu vẫn chưa thấy thành viên nào của đội Việt Nam. Ban giám khảo chạy ra miệng hố nhìn xuống thì thấy các thành viên của đội Việt Nam đang ở dưới đáy hố, cứ người nào vừa leo lên được một khúc thì người kia lại kéo người đó xuống.
Khi tôi kể câu chuyện này cho các bạn bác sĩ người Nhật, thì những bác sĩ đã tiếp xúc khá lâu với các bác sĩ Việt Nam đều công nhận tính hợp lí của vế đầu câu chuyện (còn vế sau thì có lẽ vì lịch sự nên họ không bàn đến).
Một bác sĩ phẫu thuật bụng người Nhật kể với tôi câu chuyện một bác sĩ Việt Nam qua thăm bệnh viện của ông ấy (thực chất là sang Nhật dưới dạng đi học vì điều kiện để được đi nước ngoài của các bác sĩ Việt Nam rất hiếm). Khi xem vị bác sĩ Nhật nói trên mổ, vị bác sĩ Việt Nam chê thẳng thừng.
Anh bạn bác sĩ người Nhật của tôi nóng mặt (anh ấy đang đứng trên vai trò là người dạy), yêu cầu vị bác sĩ Việt Nam giải trình xem anh ta sẽ làm thế nào. Sau khi vị bác sĩ Việt Nam trình bày và lí luận, anh bạn bác sĩ Nhật đã mời vị bác sĩ Việt Nam vào mổ và anh ấy đã học được nhiều điều từ vị bác sĩ Việt.
Anh bạn Nhật cho biết nếu như vị bác sĩ Việt Nam không phải người nói quá nhiều và hay chê bai thì anh ấy đã cử vài bác sĩ Nhật sang bệnh viện Việt Nam để học rồi.
Năm 1999, tại Nhật Bản, trong khi hội chẩn toàn bệnh viện, bác sĩ trưởng khoa ngoại báo cáo về một trường hợp u dạ dày. Có lẽ vì tính lịch sự (hoặc cũng là để kiểm tra trình độ tổng quát của tôi) họ yêu cầu tôi cho biết ý kiến. Tôi hỏi về phân loại TNM (các giai đoạn phát triển) của khối u. Họ còn rất ngạc nhiên khi tôi đề xuất phương pháp điều trị phù hợp với lí luận điều trị hiện đại rất mới trên thế giới vào thời điểm đó.
Sau này tôi mới được biết vào thời điểm đó, phân loại TNM về u còn rất mới mẻ ở Nhật mà chỉ các bác sĩ ung bướu và một số rất ít bác sĩ ngoại bụng được cập nhật, còn đối với bác sĩ Ngoại Thần kinh thì có lẽ khái niệm này khá xa lạ. Bản thân tôi, nhờ tham dự chứng chỉ Phẫu thuật tổng quát trong chương trình học thạc sĩ trong nước trước đó mà được biết lí thuyết mới nói trên.
Các bác sĩ Nhật Bản còn ngạc nhiên hơn nữa khi họ nghe tôi kể khi còn là sinh viên, tôi đã được xem cắt chọn lọc dây thần kinh số 10 trong mổ loét dạ dày - một kĩ thuật chỉ phát triển trong một thời gian ngắn trước khi người ta phát hiện ra vi khuẩn Helicobacter. Tại Nhật Bản, mới chỉ có một số ít các bác sĩ tiếp cận với kĩ thuật đó, và khi kĩ thuật cắt chọn lọc dây thần kinh X chưa kịp phổ biến rộng rãi thì phát minh về Helicobacter đã làm thay đổi toàn bộ các khái niệm về loét dạ dày.
Các bác sĩ Nhật Bản rất thắc mắc là tại sao Việt Nam, một đất nước đang còn nghèo lại có thể tiếp cận với những kiến thức y học mới mẻ nhanh đến vậy?
Nhờ những điều trên, tôi đã giành được sự tôn trọng nhất định của các bác sĩ Nhật. Từ đó, tôi đã được nhận vào học với các giáo sư hàng đầu của Nhật trong chuyên khoa Phẫu thuật Thần kinh và Phẫu thuật Cột sống.
Sự đánh giá cao về Việt Nam của các bác sĩ Nhật Bản còn được thể hiện trong một lần tôi đi tham quan một cơ sở laser tại Tokyo theo sự sắp đặt của Hội Laser Y học Nhật bản. Bệnh viện nơi tôi học nhận một ca chấn thương sọ não, có máu tụ trong sọ.
Bác sĩ Ngoại Thần kinh của bệnh viện đó đã có trên 30 năm kinh nghiệm, làm việc ở bệnh viện đó 3 năm, quyết định mổ. Rồi thư kí gọi điện cho cơ sở tôi tham quan hỏi xem khi nào thì tôi về được. Thì ra nếu tôi có thể về kịp, họ sẽ giữ bệnh nhân lại mổ. Vị bác sĩ 30 năm kinh nghiệm kia chưa mổ ca chấn thương sọ não nào tại bệnh viện đó và họ cần một người biết mổ thật sự có mặt. Tiếc rằng tôi không thể về kịp nên họ đã chuyển bệnh nhân đến bệnh viện Đại học Kyoto.
Tại Mỹ, cách đây hơn 10 năm, dựa trên sự trao đổi giữa các thành viên của American Accademy of Minimally Invasive Spine Care and Surgeries (tiền thân của International Society of the Advancement of Spine Surgeries) về nhận định đối với những người đi học, giáo sư Yeung đã dự đoán về khả năng phát triển phẫu thuật cột sống xâm lấn tối thiểu, đặc biệt là nội soi cột sống, tại khu vực Đông Nam Á.
Việt Nam được đánh giá rất cao và tình hình hiện nay cho thấy rằng ông đã đúng. Tiếc rằng cơ chế, chính sách và cả những bất lợi về dư luận, những hạn chế về lòng tự hào dân tộc của chúng ta đã kìm hãm rất nhiều sự phát triển của y khoa Việt Nam.
Theo tôi biết thì ở Việt Nam hiện nay, có rất nhiều người, nhiều cơ sở khoe khoang là đầu tiên, là nhất, là đẳng cấp… mà thực chất thì chẳng có gì. Trong khi thực tế có nhiều người, nhiều cơ sở có khả năng cao, cao hơn mặt bằng chung của khu vực, thậm chí ngang với đẳng cấp thế giới, nhưng cứ âm thầm mà không dám nói về điều này.
Tôi nghĩ không phải vì họ khiêm tốn, mà vì với cơ chế hiện nay, họ khó có điều kiện để được công nhận chính thức. Nếu như được công nhận chính thức, sẽ có rất nhiều khó khăn đến với họ từ sự tự ti dân tộc, từ tính đố kị của ngay chính cộng đồng họ. Cùng với đó là sự lôi kéo cho tụt xuống đáy của những đồng nghiệp của họ như trong câu chuyện cười kể trên.
Đã đến lúc, chúng ta phải công nhận rằng đồng hồ Tây vẫn có thể sai và đồng hồ ta vẫn có thể rất đúng. Đã đến lúc chúng ta phải tự hào về dòng giống Lạc Hồng. Đã đến lúc chúng ta phải cùng nâng nhau lên, hoặc chí ít thì cũng đừng cố gắng trì kéo nhau xuống vũng bùn của sự chậm phát triển, của đói nghèo và lạc hậu.
Được như vậy đất nước ta mới có thể đi lên, mới có thể sánh vai với các cường quốc năm châu, hỡi những con Lạc cháu Rồng.