Ứng dụng công nghệ trong ngành bán lẻ phát triển mạnh trên toàn cầu và cả Việt Nam thời gian qua. Tuy nhiên, các mô hình tạp hóa truyền thống lại gặp nhiều rào cản trong quá trình do năng lực về công nghệ hay e dè về chi phí.
Rào cản số hóa tiệm tạp hóa
Đại dịch Covid-19 tác động mạnh đến hành vi tiêu dùng, đẩy mạnh chuyển dịch từ mua sắm truyền thống sang trực tuyến. Nghiên cứu của Forrester Research cho thấy, doanh số bán lẻ trực tuyến Đông Nam Á tăng trưởng mạnh, đạt 93 tỷ USD năm 2023 và được dự báo đạt 193 tỷ USD vào năm 2028, đặc biệt tại Việt Nam và Philippines. Những dự báo đầy về tương lai của bán lẻ trực tuyến thúc đẩy nhu cầu số hóa của doanh nghiệp.
Tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp bán lẻ cũng đã bắt đầu "chạy đua" ứng dụng công nghệ số nhằm đáp ứng nhu cầu và hành vi thay đổi của người tiêu dùng. Các tiệm tạp hóa truyền thống, giữ vai trò và sức ảnh hưởng lớn trong ngành, cũng tham gia vào quá trình này.
Tuy nhiên, đứng trước cơ hội chuyển đổi số, nhiều chủ tạp hóa vẫn còn băn khoăn và e ngại khi nghĩ đến việc áp dụng công nghệ vào kinh doanh. Nhiều chủ tạp hóa cho biết nỗi lo lớn nhất là việc chưa sử dụng thành thạo thiết bị điện tử trong khi phần lớn ứng dụng hoặc phần mềm quản lý lại có giao diện quá phức tạp. Chưa kể, sau hàng chục năm, cách thức buôn bán truyền thống đã ăn sâu vào cuộc sống. Nhiều người ngại thay đổi và thấy không thoải mái khi phải tập quen lại từ đầu khi ứng dụng công nghệ số.
"Bán tạp hóa lời ít, thậm chí có những món cô chỉ lời vài trăm đồng thì sao dám đầu tư ứng dụng công nghệ", bà Phụng - chủ tiệm tạp hóa tại huyện Mỏ Cày Bắc, Bến Tre chia sẻ. E ngại về chi phí chuyển đổi cũng là một trong những chướng ngại lớn, cản bước tiệm tạp hóa truyền thống hòa nhập với xu hướng bán lẻ hiện đại.
Ông Nguyễn Thanh Hiển, CEO công ty Finviet, cho biết số hóa không phải là rào cản mà chỉ là thách thức nhất thời trong trường hợp các chủ tiệm tạp hóa chưa hiểu rõ hoặc chưa tìm được công cụ phù hợp với nhu cầu. "Nếu có một ứng dụng tích hợp được nhiều công cụ hỗ trợ kinh doanh, thân thiện với người dùng thì chắc chắn sẽ tạo đà cho các tiệm tạp hóa truyền thống bắt nhịp nhanh chóng", ông Hiển nói.
Ứng dụng số cho tiệm tạp hóa
Để các cửa hàng truyền thống nhanh chóng số hóa, nhiều giải pháp công nghệ đã được phát triển. Một trong những giải pháp này là ứng dụng ECO Tiệm Số Hóa.
Ứng dụng giúp các điểm bán truyền thống trên khắp cả nước chủ động trong toàn bộ quá trình vận hành công việc, từ kết nối với nhãn hàng đến quản lý tài chính, mở rộng phạm vi kinh doanh, tăng thu nhập... Theo nhà phát triển, tất cả đều hướng đến mục tiêu mang đến lợi ích cho quá trình số hóa.
Ứng dụng còn tích hợp thêm nhiều công cụ giúp gia tăng doanh thu hằng ngày như: kinh doanh dịch vụ tiện ích không cần vốn (nạp card điện thoại, thu hộ học phí, thanh toán điện, nước...), tham gia chương trình trưng bày từ nhãn hàng. Thông qua nền tảng, chủ tiệm tạp hóa có thể tiếp cận hơn 20.000 sản phẩm và hàng trăm nhà cung cấp chỉ bằng các thao tác đơn giản trên điện thoại thông minh.
Quá trình theo dõi và kiểm soát doanh thu cũng trở nên tiện lợi hơn nhờ tích hợp ví điện tử ECO. Tất cả các giao dịch được tập trung quản lý trên một nền tảng duy nhất. Bên cạnh đó, chủ tiệm còn có cơ hội nhận hoa hồng từ nhà cung cấp trong quá trình sử dụng.
Đại diện nhà phát triển Finviet cho biết ECO Tiệm Số Hóa là nỗ lực để chứng minh chuyển đổi số không phải là rào cản mà sẽ trở thành động lực giúp các tiệm truyền thống phát triển bền vững trong kỷ nguyên số.
Linh Lam