![]() |
Chủ tịch Nguyễn Minh Triết trong lần đi Siem Riep, Campuchia. Ảnh: Reuters. |
Dưới đây là tóm lược nội dung:
Là một sinh viên ngành toán và khoa học chính trị của Đại học Sài Gòn danh tiếng những năm 1960, Nguyễn Minh Triết, con trai một gia đình nông dân, lớn lên trong phong trào sinh viên và gia nhập căn cứ kháng chiến.
Khoảng một thập kỷ kể từ khi tốt nghiệp, ông Triết là nhà hoạt động trong phong trào thanh niên ủng hộ đảng Cộng sản Việt Nam, chống chế độ Sài Gòn do Mỹ hậu thuẫn. Ông được điều tới Mỹ Tho - nơi diễn ra những trận đánh ác liệt giữa lực lượng Mỹ và chính quyền miền Nam với quân giải phóng.
Ông Triết, vào ngày 18/6, sẽ là vị chủ tịch đầu tiên của nước Việt nam thống nhất đến thăm Mỹ - nước hiện giờ là đối tác thương mại đơn lớn nhất của Việt Nam.
Nhậm chức chủ tịch năm ngoái, ông đã có những biện pháp thích hợp thúc đẩy hình ảnh một nước Việt Nam mới bùng nổ về kinh tế, đang thu hút nhiều nhà đầu tư phương Tây muốn đến chia sẻ những lợi ích từ một trong các nền kinh tế tăng trưởng nhất châu Á này.
Lôi cuốn, thân thiện với giới kinh doanh và sẵn sàng đáp ứng với công chúng, ông Nguyễn Minh Triết là một trong những nhà lãnh đạo Cộng sản thế hệ mới, đang nỗ lực đưa đất nước theo hướng phát triển kinh tế nhanh trong khi vẫn đảm bảo sự lãnh đạo của đảng Cộng sản trong đời sống chính trị đất nước.
Những năm 1990, ông đã chủ trì một cách thành công giai đoạn phát triển công nghiệp ngoạn mục ở tỉnh nhà (Bình Dương). Về sau khi làm bí thư đảng ủy thành phố Hồ Chí Minh, ông được nhìn nhận là một chiến sĩ chống tham nhũng, nhờ việc phá băng nhóm xã hội đen ở nơi này.
"Ông ấy thực sự là đại diện cho thế hệ đổi mới", một nhà ngoại giao ở Hà Nội nhận xét. "Ông ấy lắng nghe và thấu hiểu, khiêm tốn và có hình ảnh tốt trong dân".
Ông Triết xây dựng được uy tín như là một nhà cải cách kinh tế vào thập niên 1990, khi lãnh đạo tỉnh Bình Dương. Khi đó tỉnh này là một nơi kém phát triển, chủ yếu làm nông nghiệp, ở phía bắc TP HCM.
Trong khi Hà Nội vẫn đang suy nghĩ về vấn đề nới lỏng đến mức nào quyền kiểm soát của nhà nước đối với nền kinh tế - điều khiến một số nhà đầu tư nước ngoài nản lòng - thì ông đã đặt nền móng cho một sự bùng nổ kinh tế ở tỉnh ông, mở cửa cho đầu tư trực tiếp nước ngoài và khuyến khích dân địa phương khởi nghiệp làm ăn.
"Ông ấy là một trong những người phá bỏ các luật lệ cũ - một trong những người cấp tiến của hệ thống", Thomas Vallely, giám đốc chương trình Việt Nam của trường Kennedy School, bình luận. Ngày nay Bình Dương là một trong các tỉnh thu hút nhiều nhất đầu tư nước ngoài, đóng góp đáng kể vào xuất khẩu hàng công nghiệp của VN.
Năm 1997, ông Triết về lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh, trung tâm kinh tế của cả nước và là nơi ông lãnh đạo cuộc chiến chống bè đảng kiểu mafia của Nam Cam. Băng nhóm này điều hành các nhà chứa, sòng bạc và hoạt động bất hợp pháp nhờ bảo kê của một số quan chức chính quyền. Hơn 155 người đã bị đưa ra xét xử.
Trong chuyến thăm Mỹ, ông Triết hy vọng tập trung chú ý vào thu hút các nhà đầu tư Mỹ và quan hệ thương mại đang tăng nhanh giữa hai nước. Tổng kim ngạch năm 2005 là 7,8 tỷ USD.
Trong lịch trình của ông có điểm đến New York, nơi ông dự kiến gặp lãnh đạo các công ty lớn của Mỹ như General Electric, Intel và American International Group.
Giới quan sát cho rằng Tổng thống Bush và các chính trị gia Mỹ chắc chắn sẽ đề cập chủ đề nhân quyền. Ông Triết đã công khai bác bỏ những lời chỉ trích từ bên ngoài về vấn đề này và khẳng định Hà Nội tôn trọng nhân quyền, và trừng phạt những ai vi phạm pháp luật
Mai Trang (lược dịch)