Bệnh nhân, quê Quảng Ninh, tiêm filler (chất làm đầy) tại một thẩm mỹ viện. Sau tiêm, trong ngực nổi các khối lổn nhổn và sưng đau, gần đây tình trạng nặng hơn nên chị đến bệnh viện tầm soát ung thư. Bác sĩ phát hiện các khối filler đọng trong ngực giống như khối u, khuyên bệnh nhân phẫu thuật lấy ra. Tuy nhiên bệnh nhân không đến bệnh viện xử lý mà trở lại thẩm mỹ viện để hút filler. Sau can thiệp, đau tức ngực, sốt cao, uống thuốc kháng sinh không bớt mới đến Bệnh viện Việt Đức cấp cứu.
Ngày 15/7, PGS.TS Nguyễn Hồng Hà, Trưởng khoa Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ, Bệnh viện Việt Đức, cho biết người bệnh nhiễm trùng nhiễm độc, toàn bộ hai bên tuyến vú có nhiều khối u cục kích thước to nhỏ. Siêu âm thông thường không cho thấy hình ảnh rõ ràng vị trí của các khối này, bác sĩ phải chụp phim cộng hưởng từ chuyên dụng cho vú mới xác định rất nhiều khối trong ngực có hình dạng như các cục u và tạo thành nhiều lớp.
Người bệnh được chẩn đoán áp xe ngực do tiêm filler nâng ngực và chọc hút làm cho vi khuẩn ở bên ngoài xâm nhập vào cơ thể. "Biểu hiện sốt rét run của bệnh nhân báo hiệu các khối áp xe nguy cơ vỡ, nếu vào phổi sẽ nguy hiểm tính mạng", bác sĩ Hà nói.
Các bác sĩ chỉ định phẫu thuật lấy filler ra khỏi ngực người bệnh. Tuy nhiên, nếu sử dụng phương pháp mổ mở thông thường, bác sĩ sẽ phải cắt bỏ toàn bộ tổ chức tuyến vú và cơ hoại tử xen kẽ với các khối u dịch nhiễm trùng. Khi ấy người bệnh mất đi cấu trúc tuyến vú và cơ ngực lớn, mức độ tàn phá nặng nề giống như cắt bỏ các khối ung thư vú.
Do vậy, các bác sĩ sử dụng phương pháp nội soi, đưa ống dò vào những ngóc ngách của cơ thể các đường hầm filler lan tỏa trong tuyến vú và cơ ngực lớn, có chỗ lan tới sát xương ức và tận hõm nách... để hút ra. Ca phẫu thuật diễn ra trong gần 6 tiếng, dịch nhiễm trùng trong bầu ngực bệnh nhân trào ra và được ê kíp làm sạch.
Hiện tại sức khỏe người bệnh ổn định, tiếp tục theo dõi các nguy cơ biến chứng.
Lê Nga