Sau rất nhiều mong mỏi, bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết tâm lý ăn khách của nhà văn E. L. James đã ra mắt khán giả Việt vào dịp Valentine năm nay. Tuy nhiên, đi kèm với nó là những tranh cãi xoay quanh câu chuyện chuyển thể tác phẩm văn học, cùng những giới hạn của các loại hình nghệ thuật khác nhau.
Trailer phim "50 Sắc thái" |
|
Sau khi tiêu thụ hàng trăm triệu bản trên toàn thế giới, bộ tiểu thuyết Fifty Shades of Grey của nữ nhà văn E. L. James ngay lập tức được các nhà sản xuất phim tìm đến đặt vấn đề. Dường như sức hút về cả tính nghệ thuật lẫn tính thương mại đã khiến không ít đạo diễn “nóng lòng” muốn sở hữu dự án chuyển thể này. Cơ hội sau cùng thuộc về nữ đạo diễn Sam Taylor-Johnson. 50 Sắc thái được sinh ra một lần nữa, bởi một người phụ nữ khác. Và tất nhiên, bộ phim mang một số phận khác so với tiểu thuyết ban đầu.
Không thể phủ nhận, văn học luôn là một mảnh đất màu mỡ đối với các nhà làm phim. Tuy nhiên, không phải tác phẩm điện chuyển thể nào cũng thành công và được đón nhận như mong đợi. Có nhiều yếu tố khiến khán giả thất vọng khi chứng kiến các nhân vật yêu thích của mình được mô phỏng lại trên màn ảnh bằng một con người khác, không mấy liên quan. Và bộ phim khi ấy sẽ trở thành “tội đồ” vì không chuyển thể được đúng tinh thần như nguyên tác.
Pride and Prejudice, Anna Karenia hay On the Road là những bộ phim chịu số phận này. Câu hỏi đầu tiên choáng ngợp tâm trí khán giả khi bước vào thế giới của bộ phim luôn là: Nhân vật yêu thích của tôi đâu? Ai sẽ vào vai? Anh/cô ấy có đẹp và tỏa sáng như trong truyện? Với những câu hỏi đó, bộ phim đã bị đặt dưới cái nhìn so sánh, xét nét ngay từ phút mở đầu.
50 Sắc thái của đạo diễn Sam Taylor-Johnson cũng đồng cảnh ngộ khi gánh vác sứ mệnh phải đưa một nhân vật hoàn hảo đến không tưởng lên phim. Ngài tỷ phú trẻ tuổi, thành đạt, hào hoa, với vẻ đẹp nam tính khó cưỡng trong tiểu thuyết của E. L. James từng là “người trong mộng” của hàng triệu độc giả nay được tái hiện bởi nam diễn viên – người mẫu Jamie Dornan. Lựa chọn này của đạo diễn lập tức gây tranh cãi ngay sau khi trailer và poster chính thức của bộ phim được tung ra. Không ít khán giả thể hiện niềm thất vọng lẫn phẫn nộ khi tượng đài trong tim họ bị “tầm thường hóa” bởi một nam diễn viên không đủ hấp dẫn ngay từ ngoại hình.
Jamie Dornan quả thực thiếu nhiều tố chất để trở thành một “nam thần” quyền uy, mạnh mẽ như trong truyện. Gương mặt không quá đẹp cũng không quá xấu, tính cách vốn nhất quán không có nhiều đột phá dễ khiến Jamie Dornan trở nên “một màu” suốt cả bộ phim. Trong khi đó, Dakota Johnson lại ít nhiều tỏa sáng hơn. Chỉ riêng đôi môi gợi cảm, ánh nhìn ướt át và mái tóc buông rủ dịu dàng đã giúp cô hoàn thành một nửa vai diễn của mình.
Có thể thấy, nếu “người trấn áp” - Mr. Grey - là linh hồn trong cuốn tiểu thuyết thì ngược lại, khi chuyển thể thành tác phẩm điện ảnh, “người phục tùng” – Ana lại trở thành điểm sáng của bộ phim. Đạo diễn đã rất tinh ý khi miêu tả được cả vẻ chân thành, ngây thơ của một cô sinh viên lẫn một người đàn bà sexy khêu gợi trong cùng một nhân vật. Từ chiếc áo hoa giản dị ban đầu cho đến những chiếc sơ mi trắng không quần về sau, Dakota đã hoá thân thành một “woman in love” (người phụ nữ khi yêu) đầy gợi cảm, hấp dẫn.
Sự phức tạp của các lớp chủ đề cũng là một trở ngại khác khi thực hiện chuyển thể tác phẩm văn học nói chung. Trong truyện, nhà văn đã ẩn ý gửi vào sau câu chuyện về một kẻ “đa sắc thái bệnh hoạn” những thông điệp sâu sắc khác về quyền bình đẳng giới, về những sắc thái màu xám khác nhau của tình dục, không đơn giản như hai màu đen trắng. Điều này không dễ gì thể hiện được bằng hình ảnh và những cuộc hội thoại trên phim. Chưa kể, môtíp những ẩn ức tình dục thời thơ ấu được nhà văn đưa vào để làm dày thêm nhân vật cũng là một chủ đề thú vị nhưng chưa được tận dụng hợp lý. Mr. Grey vì thế mà khó nhận được sự đồng cảm của số đông với những sở thích “bệnh hoạn” của mình.
Sẽ là sự so sánh khập khiễng nếu đặt hai ngôn ngữ nghệ thuật ở cạnh nhau, cũng như đặt dung lượng hàng trăm trang của một cuốn tiểu thuyết cạnh bộ phim chỉ vỏn vẹn hơn 120 phút. Bản thân việc đặt lên vai đạo diễn Sam Taylor-Johnson sứ mệnh phải lột tả trọn vẹn, trung thành tinh thần của E. L. James cũng là một sự phi lý.
50 Sắc thái trên phương diện nào đó, vẫn là một bộ phim tâm lý tình cảm đưa người xem qua nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, từ tình yêu sét đánh đến những màn tán tỉnh, hẹn hò hay những thất vọng tất yếu của tình yêu đầu không như mong đợi. Chưa kể, bỏ qua một vài thiếu sót, bộ phim vẫn có điểm nhấn quan trọng là phần nhạc phim. Các ca khúc Crazy in Love, Haunted, Earned It, Love Me Like You Do hay I Put a Spell On You với bản phối đầy dẫn dắt và khơi gợi hứa hẹn tiếp tục tạo nên sức hút sau bộ phim.
So với phiên bản gốc, “phiên bản Châu Á” được công chiếu tại Việt Nam đã được làm “mềm” hơn nhằm hạn chế tính chất cực đoan của bộ phim. Điều đó hẳn sẽ khiến 50 Sắc thái đôi chỗ trở nên khó hiểu, hụt hẫng đối với những khán giả chưa đọc tác phẩm. Tuy nhiên, bộ phim vẫn còn nhiều điều đáng nói hơn thế, nếu không nhìn nhận nó như một sự mô phỏng máy móc những tượng đài.
Fifty Shades of Grey (50 Sắc thái) đã khởi chiếu tại Việt Nam từ hôm 13/2. Phim cấm khán giả dưới 16 tuổi.
Nhạc phim "50 Sắc thái" |
* "Earned It" - The Weeknd |
* "Love Me Like You Do" - Ellie Goulding |
Anh Mai