![]() |
Trezeguet trở thành người hùng của đội tuyển Pháp ở trận chung kết EURO 2000 nhờ... bàn thắng vàng. |
Luật "bàn thắng vàng" do UEFA đề xuất và được FIFA thông qua hồi năm 1996. Lần đầu tiên "cái chết bất ngờ" xuất hiện là tại vòng chung kết EURO 1996, và UEFA hy vọng luật này sẽ giúp các trận bóng đá trở nên kịch tích hơn nếu sau 90 phút thi đấu chính thức có kết quả hoà. Thể thức đội nào ghi bàn trước trong hiệp phụ thì giành thắng lợi ngay quả thật đã mang lại nhiều niềm vui cho một số đội bóng, đáng chú ý là khi Đức lên ngôi tại EURO 1996, Pháp đăng quang ở EURO 2000 nhờ bàn thắng vàng của Trezeguet vào lưới Italy, và Liverpool đoạt Cup UEFA 2001. Nhưng nó cũng khiến nhiều đội cảm thấy bất công vì họ bị tước mất thành quả trong giây lát và không được cho cơ hội sửa chữa. Trên sân Mỹ Đình tối 12/12/2003, cú sút quyết đoán và lạnh lùng của hậu vệ trái Nataporn Phanrit (U23 Thái Lan) như một vết dao cứa sâu vào trái tim cuồng nhiệt của người hâm mộ Việt Nam. Bởi đó chính là bàn thắng vàng được ghi ngay ở phút thứ 6 của hiệp phụ thứ nhất, buộc U23 Việt Nam chịu thua trong trận chung kết nghẹt thở của môn bóng đá SEA Games 22. Nếu khi đó luật bàn thắng vàng đã bị bỏ, các cầu thủ của ông Riedl hoàn toàn có cơ hội để đảo ngược tình thế.
"Cái chết bất ngờ" luôn khiến người hâm mộ cảm thấy tim như ngừng đập mỗi khi chứng kiến đội bóng thân yêu của mình bị tấn công trong hiệp phụ. Tuy nhiên, cục diện của các hiệp phụ thời bàn thắng vàng thường không hấp dẫn và thiếu quyết liệt, bởi các đội không dám cống hiến một lối đá đẹp và cởi mở, mà thay vào đó là sự thận trọng, đợi chờ loạt luân lưu may rủi. Chính UEFA cũng đã thừa nhận sai lầm của mình, và sửa sai bước đầu bằng việc sáng tạo ra luật "bàn thắng bạc", áp dụng từ chung kết Champions League và Cup UEFA mùa hè năm ngoái: Sau khi hòa trong thời gian thi đấu chính thức, nếu đội nào ghi được bàn thắng trước trong hiệp phụ thứ nhất thì trận đấu không kết thúc ngay lập tức như theo luật bàn thắng vàng. Hai bên sẽ tiếp tục thi đấu đến hết 15 phút hiệp phụ đầu tiên, đội nào ghi nhiều bàn hơn sẽ thắng. Nếu vẫn hòa, hai đội phải đá toàn bộ hiệp phụ còn lại để phân thắng bại. Hết 30 phút hiệp phụ vẫn hòa, trận đấu sẽ được định đoạt bằng việc thi đá 11 m. Giải pháp này đang được áp dụng tại các giải đấu của châu Âu, nhưng rồi cũng sẽ bị loại bỏ sau trận chung kết EURO 2004 (ngày 4/7). Các trận đấu loại trực tiếp nếu hoà sau 90 phút sẽ bước vào phân định thắng bại ở hai hiệp phụ (mỗi hiệp 15 phút), nếu vẫn hoà hai đội sẽ thi đá 11 m.
Trước khi ra quyết định quan trọng này, FIFA đã tiến hành tham khảo ý kiến của các Liên đoàn bóng đá quốc gia thành viên và quan điểm của các trọng tài cũng như HLV. Hầu hết đều ủng hộ việc bỏ luật bàn thắng vàng và bàn thắng bạc, trở lại với thể thức cũ: hai hiệp chính (nếu hoà) - hai hiệp phụ (nếu hoà) - loạt đá luân lưu 11 m.
FIFA cũng quy định trong các trận đấu giao hữu quốc tế từ sau 1/7, mỗi đội chỉ được thay tối đa 6 cầu thủ, thay vì tự do như hiện nay. Quyết định này vấp phải sự phản ứng của HLV trưởng đội tuyển Anh Eriksson - người thường xuyên thay toàn bộ đội hình trong hiệp hai của các trận giao hữu với mục đích thử nghiệm. Các HLV trưởng đội tuyển Đức, Pháp, Italy, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha... cũng ủng hộ quan điểm của HLV Eriksson. Tuy nhiên, 7 trong tổng số 8 thành viên Ban chấp hành FIFA (là đại diện của một số Liên đoàn bóng đá quốc gia thành viên) đã ủng hộ việc hạn chế thay người trong các trận giao hữu, để tôn trọng khán giả. Chủ tịch FIFA Joseph S. Blatter thậm chí còn muốn mỗi đội chỉ được thay tối đa 5 cầu thủ trong các trận giao hữu.
Cũng tại cuộc họp hôm qua, FIFA bác bỏ đề nghị kéo dài thời gian nghỉ giữa hai hiệp từ 15 phút lên 20 phút.
Trần Nam (theo FIFA, UEFA)