Vượt qua thời kỳ khó khăn sau Thế chiến II, Fiat bắt đầu đà hồi phục cùng với nền kinh tế Italy, dựa vào nguồn trợ cấp từ kế hoạch Marshall của chính phủ Mỹ. Năm 1966, Agnelli cháu trở thành chủ tịch công ty.
Kể từ đó, Fiat thật sự trở thành động lực cho đà khôi phục kinh tế của Italy, đưa nước này trở lại vị trí những quốc gia công nghiệp hoá hàng đầu thế giới. Lặp lại bước đi của người ông, Agnelli cháu đầu tư vào rất nhiều lĩnh vực và nhiều quốc gia, biến Fiat thành một tổ hợp kinh tế khổng lồ. Riêng tại Italy, số nhân công làm việc cho Fiat có thời điểm lên tới hơn 20.000 người. Sự phát triển của nền kinh tế Italy chịu ảnh hưởng không nhỏ từ kết quả kinh doanh của Fiat. Người ta nói, bất kỳ một khó khăn nào của tập đoàn này không chỉ gây sốt trên thị trường chứng khoán mà còn khiến cả chính trường Italy cũng phải lao đao. Điều đó lý giải vì sao Fiat nói chung và dòng họ Agnelli nói riêng nhận được sự tôn trọng từ chính phủ và người dân Italy. Hiện gia đình Agnelli vẫn sở hữu khoảng 30% số vốn của Fiat.
Giovanni Agnelli cháu. |
Có một điều trùng hợp, những thăng trầm của Fiat có một liên hệ mật thiết với hai ông cháu nhà Agnelli. Vào những năm cuối đời, Agnelli ông đã không thể làm gì để ngăn chặn đà xuống dốc của tập đoàn. Một phần nguyên nhân là do các điều kiện khách quan. Dưới thời Mussollini, Fiat gần như phải tập trung hoàn toàn vào sản xuất các sản phẩm phục vụ cho quân đội, từ chế tạo ôtô cho tới động cơ tàu biển.
Đầu những năm 90 của thế kỷ trước, Fiat cũng bắt đầu vấp phải nhiều khó khăn, nhất là trong lĩnh vực xe hơi. Những quyết định độc đoán của Agnelli cháu trong sử dụng nhân sự hay việc thất bại khi mở rộng sản xuất mẫu xe Seicento ở Ba Lan khiến cho Fiat S.p.A không còn chiếm tỷ trọng lớn trong toàn bộ tập đoàn như trước đây.
*Lịch sử Fiat |
Ngoài Ferrari vẫn là nhãn xe thể thao số một thế giới hay Iveco là nhà sản xuất xe tải, xe bus hàng đầu, tất cả các hiệu ôtô còn lại đều không hoạt động tốt. Maserati sản xuất cầm chừng sau nhiều năm thua lỗ, Alfa Romeo không thể biến thành một nhãn xe hạng sang được ưa chuộng ở nhiều nơi như giấc mơ ngày nào, còn Lancia thì hầu như không thể tìm được thị trường bên ngoài Italy.
Dường như sau khi Agnelli cháu qua đời năm 2003, Fiat không còn thật sự mặn mà với lĩnh vực ôtô. Năm 2000, tập đoàn Fiat bán lại 20% cổ phần của Fiat Auto (chỉ gồm nhãn xe hơi Fiat) cho General Motors với giá 2,4 tỷ USD, bản hợp đồng “thòng” thêm điều kiện cho phép Fiat buộc General Motors phải mua toàn bộ phần còn lại. Thay vì giúp tìm lại ánh hào quang, sự liên minh này khiến cả hai gặp thêm nhiều khó khăn. Trong các năm 2000-2004, Fiat Auto lỗ 9 tỷ USD. Một tháng trước đây, General Motors đã chấp nhận bỏ ra số tiền 2 tỷ USD đền bù cho Fiat, thay cho việc phải mua lại chi nhánh sản xuất ôtô của tập đoàn này.
Tại Việt Nam, Fiat là một trong những hiệu xe nước ngoài thành lập liên doanh đầu tiên ở Việt Nam (góp vốn cùng Iveco và Ssangyong trong liên doanh Mekong), nhưng Fiat không phải là mẫu xe được ưa chuộng.
Một bất lợi là Fiat chủ yếu sản xuất xe bình dân, hạng nhỏ và rẻ tiền - gần như là lĩnh vực độc quyền của các nhà sản xuất Nhật Bản như Toyota và Mitsubishi ở thị trường nội địa. Theo số liệu của Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam, năm 2004, Mekong chỉ chiếm 1,8% trên tổng lượng tiêu thụ 40.141 xe của toàn bộ thị trường, trong đó chỉ có 499 xe Fiat các loại.
Fiat Albea sản xuất tại Việt Nam. Ảnh: Anh Tuấn |
Theo nhận xét của nhiều chuyên gia, sai lầm của Fiat là đã không chú trọng đến nhu cầu của khách hàng. Chiếc sedan Tempra trước đây xuống cấp quá nhanh, trong khi Albea có nhiều tiện nghi cao cấp thì giá thành lại tới 29.000 USD khi ra mắt tháng 4/2003, thời điểm các hãng ôtô đang đua nhau khuyến mại và giảm giá trước khi giá xe tăng cao vào cuối năm.
Không kể chất lượng không được chú trọng, việc có quá ít mẫu xe được giới thiệu cũng khiến Fiat mất điểm. Hiện tại nhà máy của Mekong chỉ sản xuất 3 mẫu xe Fiat, trong đó có hai mẫu sedan là Siena và Albea, một mẫu đa dụng Doblo.
Khó khăn lớn nhất đối với Fiat giờ đây là làm sao thay đổi được quan niệm của khách hàng Việt Nam về những chiếc xe rẻ tiền, chất lượng không cao. Đây là một thách thức không nhỏ với Fiat nói riêng và liên doanh Mekong nói chung khi Ssangyong cũng không phải là nhãn xe được nhiều người hâm mộ. Công ty mẹ của Ssangyong tại Hàn Quốc mới đây đã bị bán cho tập đoàn ôtô Thượng Hải của Trung Quốc do những khó khăn về tài chính.
X.O.